Kết thúc 6 trận đầu tiên ở vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam trở lại đấu trường khu vực với mục tiêu bảo vệ chức vô địch. Hành trình lần này của HLV Park Hang-seo và các học trò dự kiến sẽ khó khăn hơn trước, nhưng hoàn toàn không phải vì trình độ đối thủ tăng lên. Chướng ngại vật của Việt Nam, oái oăm thay, là mọi đội bóng đều mặc định coi chúng ta là đội cửa trên.
Phòng ngự để chiến thắng
Chuỗi thành tích thần kỳ của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam suốt 4 năm qua gắn liền với phong cách thi đấu phòng ngự phản công bất di bất dịch. Ngay sau khi tiếp quản vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia, thầy Park không mất nhiều thời gian để nhận ra tử huyệt nơi hàng thủ. Ông nhiều lần thẳng thừng nhận xét cầu thủ Việt Nam có thói quen cầm bóng rườm rà, đồng thời hay phạm lỗi trong vòng cấm khiến đội nhà bị thổi phạt đền oan uổng.
Từ lý thuyết đi đến thực tiễn là một hành trình dài, và thầy Park đã kiên quyết yêu cầu các học trò thay đổi lối đá rườm rà, nhiều sai lầm vốn có để trưởng thành hơn theo thời gian. Mỗi lần chứng kiến cầu thủ xử lý bóng nhiều hơn 2 chạm trước khi chuyền cho đồng đội, ông lập tức chỉ trích "bỏ kiểu đá ở Đông Nam Á đi". Với những người hay phạm lỗi, HLV Park yêu cầu họ phải biết tiết chế hơn khi ra đấu trường quốc tế.
Quan trọng hơn cả, với tính cách thực dụng điển hình của người Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo kiên quyết gạt đi ảo tưởng về lối đá "ban bật nhỏ dựa trên thể hình và nền tảng khéo léo của người Việt Nam". Ít ai biết ông đã mất nhiều buổi tập để hướng dẫn cho cầu thủ cách đỡ bóng, vì kỹ thuật cơ bản của nhiều người thực tế không tốt! Thay vì cố đá bóng ngắn và kiểm soát lối chơi, sơ đồ 3-4-3, hoặc 3-5-2 phòng ngự phản công của thầy Park có thể dễ dàng nhận ra.
Mắt xích quan trọng nhất của HLV Park Hang-seo trong hệ thống phòng ngự là Quế Ngọc Hải, nhưng anh không chỉ là một trung vệ đơn thuần. Với bộ chân xử lý bóng nhuần nhuyễn, đội trưởng ĐT Việt Nam thường xuyên tung ra những đường chuyền dài vượt tuyến xé toang hàng phòng ngự đối phương. Ở phía trên, lối đá tạt cánh đánh đầu cũng được HLV Park sử dụng nhiều với những tiền đạo càn lướt như Đức Chinh, Tiến Linh.
Với một lối chơi thiên về phòng ngự, đồng thời trừng phạt đối phương bằng những đòn tấn công chớp nhoáng, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park đã liên tục gặt hái thành công. Tại AFF Cup 2018, chúng ta thậm chí còn kết thúc vòng bảng mà không để thủng lưới dù chỉ 1 lần. Ở một góc độ nào đó, thầy Park có thể ví như một Mourinho với triết lý "để giành chiến thắng, đầu tiên phải tìm cách để không thua".
Áp đặt thế trận được không?
Lối đá phòng ngự phản công và tận dụng những pha bóng cố định đã giúp HLV Park Hang-seo liên tục gặt hái thành công. Tuy nhiên, khi đội tuyển Việt Nam được nhìn nhận ở một góc độ khác với trước kia thì mọi thứ cũng bắt đầu thay đổi. Malaysia, Indonesia và cả Thái Lan không còn coi chúng ta như một đối thủ ngang tầm nữa. Họ sẵn sàng thừa nhận đội tuyển Việt Nam ở một đẳng cấp khác biệt so với phần còn lại của Đông Nam Á.
Việc thừa nhận Việt Nam ở một đẳng cấp khác cũng có nghĩa những đội bóng như Indonesia, Malaysia... sẽ chủ động phòng ngự phản công khi gặp chúng ta. Đó cũng là lúc HLV Park Hang-seo gặp khó trong triển khai lối chơi. Đội tuyển Việt Nam giờ đây có thể là bậc thầy đá phòng ngự phản công, nhưng sự thực là chúng ta không giỏi áp đặt thế trận lên những đội cửa dưới.
Minh chứng rõ nhất cho việc gặp khó khi áp đặt thế trận của đội tuyển Việt Nam đến ở chiến thắng… 2-0 trước Lào. Hãy nhớ rằng, Việt Nam sút tới 28 lần để ghi được 2 bàn và thực tế, con số không hề nói dối. Đó là ngày chỉ 4/28 pha dứt điểm được thực hiện trong vòng cấm và trước một đội bóng "bê nguyên tảng đá đứng trước khung thành", Việt Nam không có nhiều ý tưởng. Và hãy nhớ rằng, Lào đã xua quân lên đá đôi công với Malaysia, tức là họ tin rằng Việt Nam ở một đẳng cấp khác và cần cách tiếp cận thận trọng hơn.
Nói cách khác, đội tuyển Việt Nam đã vươn tầm châu lục nhưng vẫn chỉ quen đá cửa dưới với đối thủ. Khi được nâng lên vị thế của một đội cửa trên, có quyền áp đặt thế trận và chủ động triển khai lối chơi, HLV Park Hang-seo và các học trò lại khá lúng túng. Việc nhận thất bại từ đòn hồi mã thương trong trận đấu với Trung Quốc ít tháng trước cho thấy trong những pha dâng cao, đội tuyển Việt Nam luôn để hở rất nhiều khoảng trống cho đối phương khai thác.
Sau Malaysia và Trung Quốc ở vòng loại World Cup, những đối thủ gặp Việt Nam ở AFF Cup chắc chắn sẽ tiếp tục chọn lối chơi phòng ngự phản công. Họ không có lý do gì để đá đôi công với một đối thủ ở cửa trên, và 1 điểm trước nhà đương kim vô địch được xem như kết quả không tồi. Đó cũng là lúc bản lĩnh của HLV Park Hang-seo mới thực sự được thử thách. Ông sẽ làm cách nào để làm mới một đội tuyển Việt Nam đang gặp khó khi áp đặt thế trận?
Lợi thế của quen biết rộng Nếu không có sự can thiệp của PCT Trần Quốc Tuấn, một quan chức cấp cao của AFC và cũng là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn lao ở AFF, Việt Nam sẽ không thể bổ sung trường hợp của Lý Công Hoàng Anh vào danh sách 30 người. Trước đó, Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trong công tác hậu cần, từ vấn đề dinh dưỡng tới sân bãi. Chẳng hạn như chuyện nước chủ nhà cho biết họ muốn mặt sân có điều kiện tốt nhất trong bối cảnh Singapore đang bước vào mùa mưa nên việc cấm tập áp dụng với mọi đội tuyển ở loạt trận đầu tiên. Hay chuyện thức ăn cho cầu thủ chẳng khác nào suất cơm hộp mua trong các khu công nghiệp. Nếu không có vai trò và sự can thiệp của quan chức trong nhà, Việt Nam sẽ phải đối diện với cảnh cầu thủ nhà nghề nhưng sinh hoạt "dưới nghiệp dư". Mới đây, Soukaphone Vongchiengkham, đội trưởng ĐT Lào còn phát biểu anh chỉ mong bóng đá Lào sớm vươn tới phần nào tầm vóc của bóng đá Việt Nam để cầu thủ không phải tối tối về phòng… úp mỳ tôm chống đói. |
Đơn Ca
Quang Hải và Công Phượng ghi bàn, tuyển Việt Nam đè bẹp Malaysia |
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 23 cầu thủ đấu Malaysia |