Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng Bến Tre, hò Đồng Tháp... là các di sản mới được công nhận.
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký ban hành Quyết định công nhận 8 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Các di sản được công nhận thuộc 4 loại hình: nghề thủ công truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống.
Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng Bến Tre
Làng bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng khắp miền Tây, được làm từ gạo sỏi ở Trà Vinh. Bánh làm từ bột gạo sỏi không bị gãy, không co khi phơi dưới trời nắng.
Khâu tráng bánh khó nhất là để bột được dàn trải đều, nên cần người có tay nghề. Bánh tráng được nướng trên bếp than cho chín hai mặt, khách ăn có thể cảm nhận bánh giòn tan trong miệng. Ngoài ra bánh tráng còn được dùng để cuốn nem, hay cuốn thịt, gỏi... chấm cùng mắm nêm.
Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc Bến Tre
Để làm bánh phồng, người dân thường chọn nếp sáp Bến Tre, đồ thành xôi rồi cho vào xay nhuyễn với nước cốt dừa, đường... Sau đó, xôi được cán thành bánh.
Khi phơi bánh phồng phải canh thời tiết, nếu trời nắng quá bánh sẽ cứng, còn dính mưa sẽ hỏng. Khi nướng, chiếc bánh phồng nở to gấp 3-4 lần, tỏa mùi thơm nức.
Hò Đồng Tháp
Hò Đồng Tháp ra đời đầu thế kỷ XIX, giao thoa từ nhiều dòng văn hóa của người bản địa. Một trong những người có công đưa Hò Đồng Tháp ra Bắc lần đầu tiên được cho là nghệ sĩ Kim Nhụy trong giai đoạn tập kết ra Bắc.
Điệu hò này cũng đã được giới thiệu ở 67 quốc gia khi giáo sư Trần Văn Khê thực hiện các bài giảng, buổi nói chuyện về dân ca Việt Nam.
Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình
Hàng năm, vào dịp tháng Giêng, ngư dân ven biển tỉnh Quảng Bình thường tổ chức lễ tế cá ông, lồng ghép dưới hình thức lễ hội cầu ngư và ra quân đánh bắt vụ cá nam.
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình. Ảnh: Phạm Phú. |
Lễ hội diễn ra với nhiều hình thức tâm linh và diễn xướng dân gian, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước; sự cố kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh của ngư dân vùng biển.
Đồng thời, lễ hội là dịp để ngư dân khẳng định niềm tin, ý chí, vượt qua thử thách để làm chủ vùng biển quê hương, Tổ quốc.
Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Ninh Thuận
Lễ Bỏ mả được tổ chức theo hai hình thức: bỏ mả cùng lúc với đám tang hay bỏ mả có thời gian chuẩn bị.
Theo luật tục của người Raglai, khi tổ chức Lễ Bỏ mả cho người thân, gia đình phải mời đủ những người đã từng tham dự lễ tang để họ chia tay lần cuối với người chết. Gia đình chọn ngày giờ, sau đó phải chuẩn bị trước hàng tháng việc ủ rượu cần, dựng sạp lễ, làm nhà mồ, trang trí nhà mồ và đặc biệt là làm Kagor, một con thuyền gỗ với nhiều vật trang trí, đặt trên nóc nhà mồ trong Lễ Bỏ mả - biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia.
Lễ Bỏ mả thường được tiến hành trong ba ngày. Ngày thứ nhất bầu chủ nhang, ba người điều hành. Ngày thứ hai mọi người trong gia đình, làng xóm, bạn bè cùng ăn bữa cơm cuối với người chết tại nhà mồ. Ngày thứ ba cúng cơm sáng, xin phép ông bà chuyển Kagor về nhà mồ của người chết.
Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu ở Thái Nguyên
Lễ cấp sắc của người Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ có ba cấp, tăng dần theo trình độ học phép của người thầy. Cấp thứ nhất là “pháp sư” (sô ca), cấp thứ hai là “chức sư” (chếnh ca) và cấp thứ ba là “thứ gia tổng xuyến” (xị ca chống sọn). Cả ba chức vị này có quyền hành pháp và truyền pháp cho đệ tử cấp dưới mới học. Cấp sắc bậc càng cao thì quyền hạn và pháp lực càng cao, tổ chức lễ tốn kém hơn.
Gia chủ làm lễ cấp sắc sẽ phải chuẩn bị chu đáo và đầy đủ về vật chất, mời được các thầy cao tay làm lễ, gia đình sẽ tiến hành lập lễ đường và treo tranh thánh. Tranh thờ Tam Thanh được treo ở chính giữa đàn, tranh thờ binh tướng, quan lính được treo ở hai bên tả hữu của lễ đàn.
Pả Dung của người Dao ở Thái Nguyên
Cũng giống như những làn điệu dân ca của các dân tộc khác, hát Páo Dung của người Dao ra đời từ lao động, cuộc sống thường ngày và tình cảm giữa người với người. Nội dung của các bài hát ngợi ca tình yêu cuộc sống, tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa và những nét độc đáo trong văn hóa. Hát Pả Dung có nhiều nét độc đáo tùy từng lối hát, cách thức thể hiện. Hát theo lối sinh hoạt chủ yếu dựa vào tài “ứng tác” của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát lại có những câu từ, lời ca khác nhau. Hát theo nghi lễ là những bài hát cố định, được học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ. Những câu hát, giai điệu của hát lễ nghi tín ngưỡng phải có quy tắc, chuẩn mực rõ ràng.
Soọng Cô của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc
Hát Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm. Hát Soọng Cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, sau đó là phần hát trong đám cưới. Soọng Cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi. Họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu... khi cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người.
Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định, các di sản được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. |
Điểm mặt các di sản ở Việt Nam được UNESCO vinh danh
Việt Nam hiện có 23 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được UNESCO vinh danh; hàng vạn di tích ... |