Việt Nam có công bố hết dịch sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19 toàn cầu?

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia…

Việt Nam có công bố hết dịch sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19 toàn cầu? ảnh 1

PGS.TS Trần Đắc Phu

Ngày 5-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Trong bài phát biểu của mình, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, hơn một năm nay, đại dịch đang có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của người dân tăng lên nhờ tiêm chủng, tình trạng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm và áp lực đối với các hệ thống y tế cũng giảm bớt. Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước đại dịch.

Với diễn biến mới nhất kể trên, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam tới đây sẽ thay đổi như thế nào?

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì.

Thực tế WHO cũng đã xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.

Ông Phu dẫn chứng, trong bài phát biểu tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu ngày 5-5, Giám đốc của WHO cũng cho rằng, điều này không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

Về việc các biện pháp ứng phó của Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để chúng ta xem xét đánh giá tình hình dịch trong nước.

“Thực tế, dịch bệnh có tính chất đại dịch thì tình hình và nguy cơ dịch trên thế giới có liên quan nhiều đến Việt Nam và ngược lại. Với Covid-19 cũng vậy, khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì chắc Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia” – ông Phu nói.

Về việc Việt Nam có nên xem xét loại Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A và coi là bệnh thông thường như cúm mùa, ông Phu cho rằng, vấn đề này, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét.

“Tôi cho rằng dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ…” - ông Phu nêu quan điểm.

PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin thêm, WHO cũng đã ban hành khuyến nghị tạm thời cho tất cả các quốc gia thành viên bao gồm duy trì việc tăng năng lực quốc gia và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai để tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê.

Các giải pháp được khuyến nghị là: lồng ghép tiêm chủng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng trong suốt cuộc đời; tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp y tế liên quan đến du lịch quốc tế liên quan đến Covid-19; tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để cải tiến các loại vaccine làm giảm sự lây truyền và có khả năng ứng dụng rộng rãi…

https://www.anninhthudo.vn/viet-nam-co-cong-bo-het-dich-sau-khi-who-tuyen-bo-cham-dut-tinh-trang-khan-cap-covid-19-toan-cau-post538966.antd

Duy Tiến / ANTD