Việt Nam biến cam kết thành hành động chống biến đổi khí hậu

Dù gặp nhiều thách thức và không ít khó khăn nhưng Việt Nam đang nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của mình về chống biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp nhanh chóng, toàn diện, vì lợi ích của chính người dân Việt Nam cũng như đóng góp vào vấn đề toàn cầu hệ trọng này, vì một thế giới tương lai tươi sáng hơn.

Những cam kết vì một thế giới xanh

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 12-7 đã gặp và trao Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phản hồi đề xuất của Tổng Thư ký về thiết lập quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) diễn ra tháng 11-2021 tại tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).

Việt Nam biến cam kết thành hành động chống biến đổi khí hậu ảnh 1

Một dự án điện gió tại tỉnh Quảng Trị là một trong những dự án năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển tại Việt Nam nhằm thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ vui mừng nhận được thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam và chia sẻ các thách thức mà Việt Nam và các nước đang phát triển phải đối mặt trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký nhấn mạnh, Liên hợp quốc và cá nhân ông sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tiến trình này.

Trước đó, trong cuộc gặp với Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ diễn ra ngày 7-7 để trao đổi về các vấn đề toàn cầu, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đưa phát thải ròng về “0” vào năm 20250. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ đồng tình cao với các đề xuất của Việt Nam, cho rằng hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Việc người đứng đầu tổ chức quốc tế quan trọng và lớn nhất hành tinh liên tiếp có những đánh giá cao Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy, nước ta đã nhanh chóng biến những cam kết đưa ra tại COP-26 thành hành động thực tế. Hơn nửa năm trước, tại Hội nghị COP-26, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo thỏa thuận Paris, để đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050.

Đồng thời, Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu 30% vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Việt Nam còn cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Những cam kết của Việt Nam tại COP-26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết vì một thế giới xanh và ngày càng tốt đẹp hơn.

Hành động có trách nhiệm

Có thể khẳng định, biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận tổng thể để đánh giá mọi tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ toàn diện giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lấy cấp cơ sở là nền tảng, lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.

Cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong bối cảnh cộng đồng quốc tế quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đồng thời thể hiện quan điểm và chỉ đạo thống nhất của Đảng, Nhà nước ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, hướng tới các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.

 

Thực hiện cam kết của Việt Nam, ngay sau Hội nghị COP-26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của nước ta. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của tổ công tác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ động công bố các cam kết của Việt Nam tại COP-26, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập, quy chế hoạt động, chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, thành lập tổ giúp việc, xây dựng Đề cương đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP-26.

Trước mắt, chúng ta tập trung vào 8 nhiệm vụ trong tâm: chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ lưu giữ carbon; nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP-26; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những cam kết mạnh mẽ đi đôi với hành động nhanh chóng, có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.

Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen nêu rõ, Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tham gia cùng nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. Bà Caitlin Wiesen khẳng định, UNDP hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương, thực hiện các cam kết của Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

https://www.anninhthudo.vn/viet-nam-bien-cam-ket-thanh-hanh-dong-chong-bien-doi-khi-hau-post510601.antd

HOÀNG HÀ / anninhthudo.vn