Viện trưởng bảo tồn di tích: 'Nhà thờ Bùi Chu xuống cấp ở mức báo động'

Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương cho hay trong bốn mức đánh giá công trình xuống cấp thì nhà thờ Bùi Chu ở mức gần thấp nhất (loại C).

Viện Bảo tồn di tích vừa gửi báo cáo đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu, gồm trùng tu cục bộ theo nguyên trạng nhằm giữ nguyên quy mô, cấu trúc công trình và trùng tu triệt để, hạ giải toàn bộ nhà thờ đến tận nền móng cũ.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương (Viện trưởng Bảo tồn di tích) cho hay, năm 2006, Viện đã chủ động xây dựng hồ sơ khoa học về nhà thờ Bùi Chu, việc khảo sát nhà thờ năm nay dựa trên hồ sơ 13 năm trước. 

"Chúng tôi thấy những ý kiến trên báo chí của nhiều nhà chuyên môn, người yêu di sản chủ yếu là cảm nhận bằng trực quan. Vì vậy, Viện đã mời các chuyên gia bảo tồn nhiều kinh nghiệm, cán bộ lâu năm và đơn vị có chức năng liên quan cùng tham gia khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng kỹ thuật nhà thờ", ông Cương nói. 

vien truong bao ton di tich nha tho bui chu xuong cap o muc bao dong

Vách tường phía ngoài nhà thờ Bùi Chu, qua mưa nắng thời gian đã mốc rêu, bị nứt. Ảnh: Giang Huy. 

Sau hai ngày đo đạc và một tuần phân tích số liệu, Viện Bảo tồn di tích nhận định, nhà thờ vẫn còn lưu giữ được nhiều thành phần trang trí từ thủa ban đầu khởi dựng. Nhưng trải qua thời gian, dấu ấn các lần tu sửa đã làm thay đổi kiến trúc công trình.

Về tình trạng kỹ thuật, theo ông Cương, sân phía ngoài do bị bồi đắp nên cao hơn cốt nền nhà thờ 70 cm, làm kiến trúc mặt ngoài nhà thờ bị biến đổi. 

Tháp chuông bị nghiêng khoảng 2 độ và có nguy cơ sụp đổ. Hệ tường bao quanh đóng vai trò chịu lực xuất hiện hàng chục vết nứt và có hiện tượng nghiêng, vặn. Nguyên nhân do nền móng không ổn định và liên kết bằng vữa vôi bị thoái hoá. 

"Theo đơn vị đánh giá kiểm định thì nhà thờ đã xuống cấp ở mức báo động, là công trình có nhiều thành phần ở tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ. (loại C trong bốn mức đánh giá công trình xuống cấp A, B, C, D)", ông Cương nói. 

Viện trưởng Bảo tồn di tích khẳng định, hai phương án trùng tu đưa ra đều nhằm mục đích giữ được tối đa giá trị các thành phần và kiến trúc, bộ phận trang trí.

Ông phân tích việc hạ giải, trùng tu công trình đình, chùa bằng gỗ được thực hiện khá dễ dàng. Nhưng nhà thờ Bùi Chu một phần xây dựng bằng gỗ, phần tường bao quanh chịu lực lại xây bằng gạch và vôi vữa. 

"Các bức tường gạch ở tình trạng kỹ thuật rất kém, xuống cấp nhanh. Nếu khắc phục được vết nứt này cũng chỉ một thời gian sau sẽ xuất hiện các vết nứt khác vì liên kết vôi vừa không còn đảm bảo. Các đoạn tường bị vặn nghiêng thì buộc phải dỡ ra xây lại", ông Cương nói và lo ngại, giáo phận Bùi Chu có gần 500.000 giáo dân, mỗi khi hành lễ tập trung rất đông người trong và ngoài nhà thờ sẽ rất nguy hiểm. 

Với phương án trùng tu cục bộ, ông Cương cho rằng việc tháo dỡ từng viên gạch để xây lại rất tốn kém và không gia cố được nền móng. Những bức tường của nhà thờ nếu giữ nguyên sẽ không khắc phục được triệt để hư hại, phải tu sửa hàng năm, tốn kém hơn nhiều so với trùng tu triệt để. Hơn nữa, khi chỉ trung tu cục bộ thì vẫn chứa đựng nguy cơ sụp đổ. 

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng nhiều chuyên gia và người yêu di sản đến Bùi Chu đều chỉ nhận định bằng cảm tính, chưa dựa trên thông số kỹ thuật. 

Ông thừa nhận, đây là công trình kiến trúc được xây bởi thợ địa phương, bằng nguyên vật liệu tại chỗ, có giá trị tiêu biểu trong giai đoạn đầu người Pháp vào Việt Nam. Điều đặc biệt của nhà thờ Bùi Chu là xây chủ yếu bằng gạch và trần làm bằng vôi trộn rơm, khác với nhiều nhà thờ trên thế giới làm bằng đá. 

"Công trình này gắn bó với giáo dân Bùi Chu hơn 100 năm, trở thành nơi chốn hành lễ thiêng liêng của họ. Nên cần nhìn việc bảo tồn nhà thờ rộng hơn, không chỉ bảo tồn công trình mà còn bảo tồn không gian hành lễ của giáo dân. Đó mới là điều đáng quý", ông Tùng nêu quan điểm. 

vien truong bao ton di tich nha tho bui chu xuong cap o muc bao dong

Bên trong nhà thờ Bùi Chu có sức chứa hàng nghìn người hành lễ. Ảnh: Giang Huy. 

Vì vậy, theo ông Tùng, "không nên để tình yêu di sản lấn át thực tế là nhà thờ này xuống cấp rất nghiêm trọng, cần phải hạ giải để xây mới. Nếu cố giữ kiến trúc cũ sẽ vô tình quên đi quyền lợi của giáo dân".

Hơn nữa, ông Tùng nói hiện có nhiều phương pháp bảo tồn di sản bằng công nghệ, những người yêu quý di sản này có thể quét 3D để lưu trữ toàn bộ nhà thờ Bùi Chu cho thế hệ mai sau. "Những chi tiết có giá trị về nghệ thuật như hoa văn, phù điêu... có thể được tái sử dụng ở công trình mới hoặc đưa vào bảo tàng nhỏ của nhà thờ", ông nói. 

Nêu quan điểm ủng hộ phương án hạ giải toàn bộ để xây mới nhà thờ thay vì chỉ trùng tu cục bộ, ông Tùng lý giải thêm, "kiến trúc mỗi thời đại phải phản ánh trình độ kỹ thuật, công nghệ của thời đại đó". 

Giáo sư, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, phương án trùng tu nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Trùng tu cục bộ giữ được nguyên bản nhà thờ nhưng không bền vững, đòi hỏi tu sửa liên tục và tốn kém. Trùng tu toàn bộ đòi hỏi phải có chuyên gia bảo tồn giỏi tham gia thì mới giữ được được kiến trúc trước đây. 

Vì vậy, ông Thông kêu gọi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chuyên gia bảo tồn di sản thảo luận với chính quyền địa phương và lãnh đạo giáo phận Bùi Chu để tìm phương án tốt nhất. "Mục đích cuối cùng là để nhà thờ trở thành nơi hành lễ an toàn cho giáo dân và tiếp tục là một công trình kiến trúc tiêu biểu", ông nói. 

 

Nhà thờ chính toà Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, đã qua hai lần trùng tu vào năm 1974 và 2000. Hiện nhiều chỗ bên trong nhà thờ đã xuống cấp. Ở bên ngoài, mỗi khi trời mưa, một bên nhà thờ lại bị ngập nước.

Nhiều giáo dân địa phương cho biết, mỗi khi đến nhà thờ cầu nguyện, hành lễ, họ thường lo lắng bởi vật liệu có thể rơi xuống, gây nguy hiểm cho mọi người.

Với diện tích nhỏ (khoảng 1.350 km2) nhưng giáo phận Bùi Chu có tới hơn 412.000 giáo dân.

vien truong bao ton di tich nha tho bui chu xuong cap o muc bao dong Giám mục Bùi Chu: 'Nhà thờ chính toà xuống cấp gây nguy hiểm cho giáo dân'

Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu cảm ơn thiện chí của các kiến trúc sư, song cho rằng đơn cứu xét đã không đề cập ...

vien truong bao ton di tich nha tho bui chu xuong cap o muc bao dong Bất ngờ hoãn hạ giải nhà thờ Bùi Chu

Sáng ngày 10/5, trên website của giáo phận Bùi Chu vừa có thông báo hoãn hạ giải nhà thờ Bùi Chu (Nam Định).

 

/ https://vnexpress.net