Vị Tết ở Trường Sa

Giữa đại dương bao la thăm thẳm, đảo Trường Sa Lớn vững chãi và hiên ngang, không chỉ là cột mốc chủ quyền, mà là điểm tựa, nơi tìm về neo đậu, trú ẩn, nghỉ ngơi của ngư dân. Bất cứ ai đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn đều có cảm giác như tìm được về bến đỗ. Ở đó, có tình đồng hương, đồng chí, đồng đội, có những con người tình nghĩa và có sự yên bình, có hương vị quê nhà.

1. Ông Trần Văn Cảnh (Hoài Nhơn, Bình Định) không nhớ mình đã bao lần đi biển, từ ngày còn là cậu thiếu niên học việc, cho đến nay đã ngót nghét 60 tuổi, chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ, số lần ông và các ngư dân về neo thuyền tại đảo Trường Sa Lớn ông không nhớ hết, nhưng những ân tình mà những người lính biển, những người dân trên Đảo Trường Sa dành cho ngư dân mỗi lần cập bến, thì đã ăn sâu vào trong trái tim của những ngư dân ăn sóng nói gió như ông. Với người dân biển, ra khơi là nghề, là nghiệp muôn đời nay.

n%3f cu%3fi lính d%3fo.jpg -0
Nụ cười lính đảo.

Thế hệ cha ông, tổ tiên, đã không ít người vùi thân dưới lòng đại dương sâu thẳm trong những lần đi đánh cá. Vì thế, đối với ngư dân, đi biển, cũng là để tri ân, báo hiếu với tổ tiên, nhưng cao cả hơn nữa đó là trách nhiệm của những người con đất Việt vươn khơi bám biển để khẳng định chủ quyền. Còn thực tế hơn, thì đó là những chuyến tàu mang chiến lợi phẩm thu hoạch được từ biển cả về đất liền, từ đó đổi thành cơm, áo, bút sách cho con cái tới trường học chữ, học kiến thức. Ngư dân xem đảo là nhà, biển cả là quê hương đúng nghĩa, vì thời gian sống trên biển còn nhiều hơn thời gian ở đất liền.

“Đi biển mãi cũng nhớ, cũng thèm đất liền lắm chứ. Thế nên mỗi khi được nhìn thấy những hòn đảo chìm, đảo nổi trên biển, gặp những người con dân đất Việt, chúng tôi coi nhau như anh em. Nhất là những ngày bão tố nổi lên, lúc đó, tính mạng ngư dân treo đầu ngọn sóng. Giữa bão giông mịt mùng, chúng tôi đã được bộ đội đón vào neo tránh bão ở đảo Trường Sa Lớn. Lúc này, Trường Sa không chỉ là nơi trú ngụ tránh bão, mà là mái nhà che chở, mang lại sự bình yên cho ngư dân. Chúng tôi được tiếp dầu, được tiếp tế thức ăn, thuốc men, được chữa bệnh khi gặp rủi ro… Với chúng tôi, về với Trường Sa, là về với ngôi nhà thứ 2 của mình”, ông Cảnh tâm sự.

Quả thực, đến Trường Sa, tận mắt chứng kiến hàng trăm tàu cá của ngư dân neo vào vịnh để tiếp dầu, thức ăn, thuốc men, và neo vào trú ẩn, cảm giác như trong đất liền mỗi khi tàu thuyền về đỗ bến. Lúc cao điểm, có khoảng 200 tàu cá cùng neo vào âu tàu, đông đúc, nhộp nhịp và vang đầy thanh âm cuộc sống như một làng nổi bên hông đảo. Ở đó, có những nụ cười lấp lánh trên gương mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió, có những yên bình thay thế cho những âu lo trong những đôi mắt khắc khoải nhớ nhà.

2. Chị Trần Thị Kim Liên và chồng là anh Nguyễn Văn Chương đều cùng quê Khánh Hòa đã có 2 “nhiệm kỳ” trên đảo Trường Sa Lớn. Khao khát được khám phá, trải nghiệm, 2 vợ chồng chị đã xung phong ra đảo. Những ngày đầu, phần vì chưa quen với nhịp sống mới trên đảo, phần vì nhớ nhà, nhớ quê, vợ chồng chị cũng ngổn ngang bao tâm trạng. Nhất là những khi chiều xuống, nắng tắt, nhìn những cánh chim mỏi tìm về tổ trong hoàng hôn chạng vạng, nỗi nhớ càng thêm cồn cào. Không biết bao lần vợ chồng chị đứng trên con đường ven đảo, hướng mắt về nơi xa xôi tìm kiếm một cánh buồm, thậm chí là một cánh chim đang bay hướng về quê hương. Rồi mọi thứ dần dần trở nên quen thuộc, cuộc sống trên đảo đã giống như ở nhà.

rau 3.jpg -0
Rau xanh trên đảo Trường Sa Lớn.

Ở đây, có những buổi chiều hoàng hôn, chị được gặp những đồng hương là ngư dân đi đánh cá. Có sáng mùng một, ngày rằm, chị cùng hàng xóm rủ nhau lên chùa thắp hương cầu cho quốc thái dân an, đất nước hùng cường, chủ quyền toàn vẹn. Tiếng chuông chùa lan vào thinh không mang lại sự bình yên, nhẹ nhàng đến tận cõi lòng, cầu nguyện cho linh hồn của hàng trăm thế hệ cha ông đã vùi thân mình nơi biển cả để giữ gìn từng tấc đất quê hương. Ở đây, có những bữa cơm, các gia đình chia nhau mớ rau xanh, miếng thịt lợn, và từng đêm cùng nhau ngồi hát giữa biển trời vằng vặc trăng sao. Ở đây, các con chị đã lớn lên, được học hành, được trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập và kiên cường. Chị có mái nhà nhỏ ấm áp với tiếng cơm sôi mỗi chiều xuống, có mùi hành tỏi phi thơm phức bên những đĩa rau xanh được trồng trên đá sỏi, chắt chiu từng giọt nước ngọt để nuôi dưỡng sự sống. Ở đây, có mùi hương, có quà bánh ngày Tết, có nắng gió biển với những nụ cười lấp lóa trên gương mặt rắn rỏi của những người lính đảo. Họ là gia đình lớn của chị, thân nhau như ruột thịt sinh sống trên thị trấn Trường Sa.

Có những buổi sáng, buổi chiều nghe tiếng trẻ ê a học bài, có cả mùi bông băng thuốc đỏ sặc nồng trong phòng y tế, có những ngày bão giông cùng nhau co cụm chống chọi, rồi lại cùng nhau dựng lại từng cái cây ngã, sửa lại những vạt tường bị bão xô đổ… Hơn tất cả, ở đây, chị có nghĩa tình, có niềm yêu thương và tự hào sâu sắc về Tổ quốc, bờ cõi của đất nước. Với chị, Trường Sa là nhà, là quê hương!

3. Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa là người đặc biệt có duyên với biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng. Đến với Trường Sa từ năm 2008, sau một vòng đi khắp các đảo lớn nhỏ trong quần đảo Trường Sa, anh lại trở về với Trường Sa Lớn năm 2022, rồi trở thành “chúa đảo” – cách gọi vui mà chúng tôi dành cho người giữ 2 chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất tại hòn đảo tiền tiêu trọng yếu.

33_Vị Tết ở Trường Sa -0
Lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo Trường Sa Lớn.

Gắn bó với đảo, với anh, Trường Sa trở thành một phần máu thịt, là tình yêu xuất phát từ trái tim và luôn ngập tràn trong trái tim anh. Những ngày bồng súng đi tuần quanh đảo, ngắm nhìn trời đất bao la, niềm tự hào dâng trong anh ngày càng lớn lao. Những buổi sáng chào cờ, được ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trong nắng, hát bài quốc ca hào hùng và thiêng liêng trên biển, nghe những âm thanh từ đất liền với những bài hát về tình yêu quê hương đất nước quen thuộc…, đối với anh, những điều đó đã trở thành máu thịt.

Từng cái cây trên đảo, từng hòn đá, thậm chí từng vỏ ốc đều trở thành thân thuộc và yêu thương trong lòng anh. Cho đến khi trở thành Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, trong lòng anh, không chỉ lòng tự hào mà niềm yêu thương dâng lên quá đỗi. Anh tự hào vì được gánh vác trên vai mình sứ mệnh bảo vệ đảo, bảo vệ những thành viên là gia đình của anh trên đảo.

“Trường Sa trong trái tim cả nước, và cả nước cũng nằm trong trái tim của những người lính, người con dân sống trên Trường Sa. Mỗi năm, chúng tôi đều được đón các đoàn từ đất liền đến thăm đảo, với hàng trăm thùng hàng tiếp tế, từ những vật dụng nhỏ nhặt nhưng thiết yếu, đến những món quà mang nhiều nghĩa tình để cải thiện điều kiện sống, học tập và làm việc trên đảo, là tấm lòng từ đất liền gửi gắm đong đầy yêu thương. Chúng tôi trân quý và coi đó như nguồn động viên tinh thần và vật chất vô giá để nắm chắc tay súng giữ gìn biển đảo quê hương”, anh Phú chia sẻ.

Quả thật, sự hiện diện của đất liền, của quê hương ở khắp mọi nơi trên đảo, từ bữa ăn giấc ngủ, đến những giọt nước mắt nghẹn ngào mỗi khi các đoàn công tác rời đảo. Dù các đoàn khách đến rồi đi, đảo chỉ rộn ràng lên trong vòng một ngày rồi tất cả lại trở về nếp sinh hoạt bình yên, nhưng mỗi lần nhìn dòng chữ “Nhà khách Hà Nội” trên đảo, anh Phú lại cảm thấy thật ấm áp.

Trên đảo xa, tình cảm của Thủ đô vẫn hiện diện như một minh chứng cho chủ quyền của đất nước nơi đầu sóng ngọn gió. Dù không có hoa sữa, không có hương cốm hay lá vàng rơi, nhưng Hà Nội nơi Trường Sa vẫn đâu đó trong mặn mòi gió biển, trong tiếng sóng vỗ và trong khoáng đạt, bao la đất trời. Vì, Trường Sa có Thủ đô, và trong trái tim những người con Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, Trường Sa đã là một tình yêu thiêng liêng nhất. Tình yêu đó, đã biến thành hành động, để gắn kết những trái tim yêu nước. Để nơi đó, Trường Sa trở thành mái nhà của người Việt. Về với Trường Sa, là trở về nhà… 

https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/vi-tet-o-truong-sa-i721228/

Hà An / cand.com.vn