Vì sao Tiếng Việt 1 dùng truyện ngắn nước ngoài thay ca dao tục ngữ Việt Nam?

"Thời điểm này mới chỉ bắt đầu năm học mới, học sinh đang tập làm quen với mặt chữ, nếu đưa ca dao, tục ngữ sẽ không phù hợp với mức độ tiếp nhận".

Đây là khẳng định của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều tại chương trình Chào buổi tối của kênh VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tối 12/10.

Những ngày qua, dư luận liên tục chỉ trích việc Tiếng Việt 1 lạm dụng đưa chuyện ngắn có yếu tố nước ngoài và nội dung chưa phù hợp. Trong khi kho tàng văn học Việt Nam còn có rất nhiều câu ca dao, chuyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhưng không được đưa vào sách giảng dạy.

Về vấn đề này, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nhiều người chưa từng cầm cuốn sách vẫn buông lời chê bai, chỉ trích, đu theo dư luận đám đông. Trong Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều có khoảng 100 văn bản của các tác giả Việt Nam.

Các văn bản này gồm đồng dao, câu đố, truyện dân gian Việt Nam và sáng tác của các tác giả có tên tuổi như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai…

"Thời điểm này mới bắt đầu năm học mới, học sinh làm quen với mặt chữ, nếu đưa ca dao, tục ngữ vào lúc này thì không phù hợp với mức độ tiếp nhận thông tin của các em lớp 1. Do vậy, chúng tôi sắp xếp dạy ca dao tục ngữ từ lớp 2, 3 trở lên, khi đó học sinh có đủ kiến thức để nhận biết ý nghĩa của ca dao, tục ngữ", GS Thuyết cho biết thêm.

Trong quá trình viết và thử nghiệm sách Tiếng Việt 1, nhóm biên soạn xác định mục đích môn học là hình thành, phát triển những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh. Do đó việc nói những bài tập đọc trên sách thiếu tính giáo dục là không chính xác.

Vì sao Tiếng Việt 1 dùng truyện ngắn nước ngoài thay ca dao tục ngữ Việt Nam? - 1
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh minh hoạ: N.N)

GS Thuyết từng chia sẻ với báo chí rằng, năm 2002, khi Chương trình tiểu học mới được đưa vào cũng vướng rất nhiều ồn ào đánh giá không hiệu quả. Tuy nhiên sau 18 năm, nhiều giáo viên lại nhận xét sách dễ dạy, nhẹ nhàng với học sinh.

Ông hy vọng dư luận nên đọc kỹ, hiểu công việc dạy học sinh lớp 1 trước khi vội vàng chỉ trích. Đồng thời, trong quá trình các trường triển khai dạy học, ban biên soạn sẽ tiếp tục lắng nghe để xử lý những vấn đề do giáo viên đặt ra cho phù hợp với thực tế giảng dạy học sinh.

"Tôi tin phụ huynh sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều chỉnh là cần thiết nhưng cần lộ trình cụ thể không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe", GS Thuyết nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Sách giáo khoa sẽ bớt Phó Thủ tướng: Sách giáo khoa sẽ bớt "sạn" nếu lấy ý kiến rộng rãi từ đầu
"Bộ GD&ĐT phải trân trọng, tiếp thu, cầu thị những góp ý cho sách Tiếng Việt 1"
"Nhiều bài đọc Tiếng Việt 1 có nội dung chắp vá, thiếu tính giáo dục"

/ vtc.vn