Vì sao thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh?

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua đợt sụt giảm mạnh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ. Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định, các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao, tập trung giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm mạnh thời gian qua. Ảnh: Trọng Hiếu

Thị trường giảm sâu

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9-2022, chỉ số VN-Index đạt 1.132,11 điểm, giảm 11,59% so với tháng 8 và giảm 24,44% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 13.396 tỷ đồng/phiên, giảm 14,16% so với tháng 8. Sang tuần đầu tiên của tháng 10-2022, thị trường tiếp tục đi xuống. Số liệu từ Công ty cổ phần Chứng khoán SHS cho thấy, kết tuần VN-Index dừng ở mức 1.035,91 điểm, giảm 8,5% so với tuần liền trước, đánh dấu tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Mức giảm này chỉ thua kém thời điểm ngày 13-3-2020 (giảm 14,55%) và ngày 13-5-2022.

Đặc biệt, phiên cuối tuần 7-10, chỉ số VN-Index giảm gần 39 điểm, về 1.035,91 điểm - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2-2021 đến nay. Như vậy, từ ngày 23-9 đến 7-10, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, chỉ số VN-Index giảm khoảng 14,72%, còn so với mức đỉnh 1.525,6 điểm vào đầu năm 2022, chỉ số chung đã giảm gần 490 điểm (khoảng 32%). Thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh so với đầu năm do dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân sụt giảm và thiếu dòng tiền mới.

Thực tế cho thấy, sau động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cổ phiếu hai ngành trụ cột là ngân hàng và bất động sản giảm mạnh, từ đó tác động đến thị trường, bởi về lý thuyết lãi suất điều hành tăng sẽ tác động đến lãi suất huy động, sau đó là lãi suất cho vay, dòng tiền sẽ san sẻ sang kênh tiết kiệm; doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi tăng chi phí đầu vào.

Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Nguyễn Thế Minh cho rằng, thị trường giảm mạnh trong thời gian qua bởi chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhận định suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Còn trong nước, ngoài yếu tố lãi suất, khối ngoại liên tục bán ròng đã tác động đến thị trường.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, chỉ số VN-Index giảm rất mạnh là bình thường nếu xét trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động, như xung đột, lạm phát trên thế giới… Đặc biệt, năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, kênh đầu tư bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng thấp, người dân đổ tiền nhàn rỗi vào thị trường chứng khoán, nhờ đó thị trường tăng vọt. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường, nên dòng vốn được san sẻ sang các kênh đầu tư khác.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ

Tại báo cáo vĩ mô và thị trường mới được phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra hai kịch bản cho VN-Index trong tháng 10. Ở kịch bản tích cực, BSC cho rằng tâm lý ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài kết hợp cùng thanh khoản có dấu hiệu cải thiện với lực cầu tốt. Giải ngân vốn đầu tư công và gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả. VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.150-1.180 điểm.

Ở kịch bản thứ hai, tâm lý bi quan về suy thoái kinh tế thế giới cũng như các thông tin không mấy tích cực có thể khiến vốn tiếp tục bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Nhịp độ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trong việc chống lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại. VN-Index dự báo dao động trong vùng 1.000-1.050 điểm.

Duy trì quan điểm thận trọng nhưng không bi quan về triển vọng của thị trường chứng khoán, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ cho nhà đầu tư.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, tháng 10 là thời điểm công bố kết quả kinh doanh. Một số nhóm ngành như thủy sản, dệt may sẽ có kết quả đột biến. Bên cạnh đó, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, nhiều khả năng trong 2 tháng tới kịch bản thị trường sẽ theo hướng tích cực.

Tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” diễn ra mới đây, ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần WiGroup nhận định, dòng tiền sẽ cải thiện hơn trong năm 2023, do đó thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn năm 2022.

Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên bán tháo vào thời điểm này, nên duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm thông tin mới về báo cáo quý III-2022 của doanh nghiệp, cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện rồi xem xét gia tăng tỷ trọng đầu tư. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước khẳng định, các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao, tập trung giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/1044443/vi-sao-thi-truong-chung-khoan-sut-giam-manh

HƯƠNG THỦY / HNM.com.vn