Việc doanh nghiệp chuỗi Soya Garden đóng bớt nhiều cửa hàng ở Hà Nội và TPHCM, song lại được đánh giá là điều "không có gì bất thường".
Đóng cửa, nhưng không phải "phá sản"
Chuỗi Soya Garden sở hữu khoảng 50 cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm phát triển nhanh chóng thì mới đây, Soya Garden bất ngờ đóng hàng loạt cửa hàng.
Theo đại diện Soya Group, việc chuỗi thương hiệu đóng bớt cửa hàng là nhằm thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thị trường. Đồng thời lên tiếng khẳng định sẽ không đóng cửa toàn hệ thống như các lời đồn đoán gần đây.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện truyền thông của Egroup - doanh nghiệp đầu tư hơn 100 tỉ đồng vào chuỗi thương hiệu này, cho biết Soya Garden đóng cửa tới 28 cửa hàng. Việc đóng cửa, trả mặt bằng diễn ra liên tục trong thời gian gần đây do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vị này phủ nhận tin đồn "phá sản" và cho biết họ đang tái cơ cấu doanh nghiệp, bỏ bớt đi cửa hàng kinh doanh thiếu hiệu quả.
Một cửa hàng Soya Garden đóng cửa. Ảnh: CTV |
Giống như tất cả chuỗi F&B (kinh doanh chuỗi dịch vụ ăn uống), Soya Garden cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trao đổi với Lao Động, ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Đông A Solutions cho Lao Động biết, việc đóng cửa như Soya trong giai đoạn hiện nay là bình thường, và doanh nghiệp này đã có vấn đề từ trước.
"Vấn đề" của Soya Garden, theo ông Việt do mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này hướng đến một nhóm khách hàng quá nhỏ. Trong khi đó, để có khả năng thu hút đủ khách hàng, Soya Garden phải xây dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp và không gian bán hàng thuyết phục.
Tuy nhiên, hiện nay, quy mô khách hàng của Soya Garden không đủ để bù chi phí xây dựng hình ảnh thương hiệu và duy trì không gian cao cấp. Ban lãnh đạo của doanh nghiệp này "quá lạc quan trong các quyết định kinh doanh".
Bên cạnh đó, ông Trần Bằng Việt cho hay, chi phí mặt quá cao cũng khiến Soya Garden "gặp khó" trong thời điểm này. "Chuỗi cửa hàng sữa đậu nành Soya Garden đều ở vị trí mặt phố trung tâm, vị trí đắc địa, chính vì vậy, đây cũng là lý do khiến Soya Garden phải "thanh lý" nhiều mặt bằng.
"Chi phí mặt bằng không chỉ là vấn đề của Soya Garden, mà còn là tuyệt đại đa số doanh nghiệp F&B. Hiện nay, giá một m2 mặt bằng mặt tiền ở Việt Nam đang cao nhất thế giới, nếu so với thu nhập trung bình của người dân", ông Việt nói.
Làm sao để thiết lập trạng thái bình thường mới
Ông Hoàng Tùng - CEO chuỗi cửa hàng Pizza Home cho rằng, thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung chịu thiệt hại, nhưng một trong những mô hình kinh doanh chịu thiệt hại lớn nhất đó chính là mô hình chuỗi.
Bởi tính chất của chuỗi là quy mô lớn, nhiều điểm thuê, từ đó dẫn đến đầu tư cơ sở vật chất lớn, tiền chi phí thuê mặt bằng và nhân công cũng như lượng hàng nhập cần phải lớn. Do tính chất đặc thù, nên mô hình kinh doanh chuỗi chịu nhiều tổn thương nhất trong thời gian đại dịch.
Theo ông Tùng, thời điểm xảy ra dịch là thời điểm sàng lọc mặt bằng. Trong thời điểm này, triết lý kinh doanh của CEO Pizza Home là "cắt - giảm - thay".
Cắt, nghĩa là cắt bỏ những địa điểm không có khả năng đem lại lợi nhuận mà trước giờ doanh nghiệp vẫn cố níu giữ do muốn phô trương quy mô. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra thì việc tập trung cần nhất của doanh nghiệp là dòng tiền, thế nên việc đóng cửa những điểm bán không hiệu quả là điều cần thiết
Giảm là giảm thiểu các chi phí thiết yếu. Đàm phán giảm giá tiền thuê nhà, giảm bớt các chi phí như điện, nước, vận chuyển, tối ưu các chi phí về kho bãi.
Thay, nghĩa là có nhiều điểm bán đẹp được các bên khác ngưng thuê, hoặc trả lại mặt bằng mà phù hợp thì hoàn toàn có thể lấy lại để thay thế cho những điểm bán chưa tốt của. Nghĩa là quy mô vẫn vậy, thậm chí giảm nhưng chất lượng điểm bán tốt hơn.
Để thiết lập trạng thái kinh doanh bình thường, ông Tùng nêu quan điểm: "Đợt dịch là dịp chúng tôi cắt bỏ những thứ thừa thãi, tập trung vào mô hình sản phẩm cốt lõi và đi theo hành trình trải nghiệm của khách hàng để có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phù hợp nhất.
Đó là cách cách doanh nghiệp có thể tồn tại về lâu dài, đi theo hành trình của khách hàng và tập trung vào cốt lõi của mình".
Soya Garden đóng cửa hàng loạt, tham vọng lớn bị tổn thương
Từng tham vọng trở thành đồ uống quốc dân, chuỗi Soya Garden đang đóng cửa hàng loạt tại TP.HCM và Hà Nội sau thời gian ... |