Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai sẽ không dán tem, tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào.
Ông Duy khẳng định, Lào Cai không có đào rừng chỉ có đào trồng ở vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng.
"Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo kiểm lâm ở cơ sở giám sát việc đó", ông Duy nói.
Theo lời vị Giám đốc Sở NNPTNT, việc dán tem truy xuất còn liên quan đến trình tự thủ hồ sơ phức tạp và người dân đi làm thủ tục hồ sơ trong dịp Tết thì không kịp, quan trọng là để người dân khi có sản phẩm và được tiêu thụ thuận lợi.
Theo tìm hiểu của PV, đào vùng cao do tác động của sương mù ẩm ướt nên địa y phát triển, tạo vẻ rêu mốc, cổ kính; đào lớn nhanh, chỉ 4 - 5 năm là bắt đầu cho khai thác, tuổi thọ của cây đào không cao, lớp địa y bám bên ngoài thân vỏ hút chất dinh dưỡng còn khiến tuổi thọ của đào giảm theo.
Ngoài Lào Cai, một số địa phương cũng đang cân nhắc việc dán tem phân biệt đào nhà và đào rừng.
Tại Điện Biên, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho hay tỉnh đang rà soát diện tích trồng đào và thông tin tới người dân trồng loại cây này trên nương rẫy yên tâm để thu hoạch đúng vụ.
"Cây đào được người dân địa phương trồng tự phát rải rác tại thôn bản từ xa xưa. Tỉnh không có đào rừng mọc tự nhiên. Chúng tôi đã đề nghị với Tổng cục Lâm nghiệp để hướng dẫn cụ thể", ông Hải nói.
Theo bà Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng lâm nghiệp Điện Biên, người dân địa phương gọi cây đào rừng tự nhiên là cây Tớ Dày, nhiều nơi gọi là mai anh đào. Cây này cùng họ với đào nhưng vươn cao hơn, từ 7 đến 8 m. Cây có sức sống tốt, hoa màu hồng thẫm, năm cánh nhưng ngắn ngày nhanh héo.
Còn cây đào người dân thường trồng trên nương rẫy tán thấp, hầu như không mọc xen lẫn trong rừng vì không cạnh tranh được dinh dưỡng và ánh sáng với các loại cây khác.
"Khi người dân muốn bán cây đào trồng có thể thông báo với chính quyền địa phương, kiểm lâm. Nếu cần, chúng tôi sẽ xác minh và chứng nhận để đảm bảo bà con mua bán nhanh chóng thuận tiện", bà Hồng nói.
Tại Lai Châu, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin đơn vị cũng đang xây dựng phương án để chứng nhận đào trồng của người dân và ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng.
Tại văn bản Số 273/VPCP-NN ngày 12.1.2021 của Văn Phòng Chính Phủ về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán 2021 thể hiện, sau khi xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 9027/TTr-BNN-TCLN ngày 22.12.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng: Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không sử dụng, trưng bày sản phẩm khai thác trái pháp luật từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, các hoạt động: Khai thác, mua bán, vận chuyển, sử dụng, tiêu thụ các loài thực vật rừng khai thác trái pháp luật từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, săn, bắt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng trái pháp luật,... trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện văn bản này, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ khai thác từ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.
Chiều 18/1, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Bộ đã đồng ý đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc để phân biệt đào rừng ở huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La.
"Sau đó, Bộ và tỉnh sẽ rút kinh nghiệm nhân rộng", vị này nói đồng thời thừa nhận khó khăn trong việc dán tem phân biệt đào rừng trên toàn quốc bởi Tết Nguyên đán 2021 cận kề.
UBND huyện Vân Hồ thiết kế 2 mẫu tem, kích thước dài 15cm và 20cm, số lượng 11.000 tem để dán tem cho 500 ha đào nhà do người dân trồng trên nương, để được phép buôn bán, vận chuyển trong dịp Tết.
Đồng thời huyện này kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, tránh nhầm lẫn giữa đào bản địa trồng tại vườn, nương của gia đình và đào rừng; cho phép huyện tổ chức Lễ hội hoa đào năm 2021, làm tem dán nhãn cho đào trồng của Vân Hồ.
Ngày 13/1, UBND tỉnh Sơn La có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên.
PV (th)
Đào rừng hay đào nhà? |
Chính phủ ủng hộ đề xuất dán tem phân biệt đào rừng |
Độc giả đề nghị phạt hành vi chặt, buôn bán đào rừng như tội phá rừng |