Khi lãi suất huy động đầu vào của các NH không giảm thì rất khó để lãi suất cho vay giảm, nếu không muốn nói là ngược lại.
Mặt bằng lãi suất thị trường thời gian qua chưa kịp giảm như kỳ vọng thì một số ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất huy động, gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Chưa kịp giảm đã tăng
Nhiều NH mới đây đã điều chỉnh khung lãi suất huy động theo hướng tăng. Ví dụ, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng và 0,1% kỳ hạn 3-6 tháng. Thậm chí NH này đã nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng lên đến 8,5%/năm.
Chị Thủy Anh (quận 2, TP.HCM) cho biết có nhu cầu cần vay khoảng 500 triệu đồng để trả tiền cho căn hộ mua để ở tại quận 9. Khi hỏi NH PVcomBank thì chị được trả lời sau khi hưởng lãi suất 7,3% trong sáu tháng đầu tiên, chị sẽ phải chịu mức lãi suất lên đến 12,8%/năm. “Nhân viên tư vấn của PVcomBank cho biết mức lãi suất cho vay hiện đã nhích lên 0,5%/năm so với vài tháng trước đây” - chị Anh nói.
Khảo sát thực tế cho thấy hiện lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 12 tháng đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở nhóm NH thương mại cổ phần quanh mức 7%-9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn từ một năm trở lên ở mức 11%-13%/năm. Như vậy, so với sáu tháng trước, lãi suất cho vay hiện đã tăng 0,5%-1,5%/năm.
Không chỉ vậy, lãi suất trên thị trường liên NH cũng có dấu hiệu tăng trở lại từ giữa tháng 8 đến nay. Chẳng hạn, theo NH Nhà nước (NN), đến ngày 20/9 lãi suất kỳ hạn một tháng tăng 56 điểm cơ bản lên 1,99%.
Đề cập đến nguyên nhân khiến lãi suất có xu hướng tăng, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, lý giải áp lực thanh khoản càng về cuối năm càng tăng trước nhu cầu vay vốn tăng nhanh để tập trung sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm. Nói cách khác, để thu hút tiền gửi, một số NH buộc phải tăng lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 36 sửa đổi của NHNN quy định từ đầu năm 2018, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh từ 50% xuống 45%. Trong khi nhiều NH đang gần chạm trần tỉ lệ này.
Do đó, các NH rất cần huy động thêm nguồn vốn trung, dài hạn. Đây cũng là lý do khiến lãi suất huy động của các kỳ hạn dài tại những NH nhỏ liên tiếp tăng.
“Lãi suất đầu vào tăng thì đương nhiên lãi suất đầu ra cũng khó có thể đứng im. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi cao thì buộc phải cho vay với lãi suất cao để có thể đảm bảo biên độ sinh lời tối thiểu. Song cần lưu ý điều này thường xảy ra tại các NH nhỏ, tỉ lệ nợ xấu còn cao, dính vào các đại án hoặc bị kiểm soát đặc biệt” - TS Bùi Quang Tín phân tích.
Tán đồng với quan điểm trên, đại diện một NH cũng cho rằng hiện nay một số NH vẫn đang tập trung trích lập chi phí dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Bằng chứng là theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến cuối tháng 9/2017, ước tính số dư dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.
Tỉ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.
Diễn biến lãi suất khó đoán
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã yêu cầu NHNN phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng trong việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận vốn, phải đưa tín dụng vào đúng lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, để ổn định và giảm được lãi suất không hề đơn giản khi mà hiện có không ít áp lực lên lãi suất. Đơn cử theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến ngày 20/9/2017 đạt 11,02% trong khi tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 10,08%. Huy động vốn không theo kịp nhu cầu vốn cho vay thì lãi suất cho vay khó có thể giảm như kỳ vọng.
Hơn nữa, khi lãi suất huy động đầu vào của các NH không giảm thì rất khó để lãi suất cho vay giảm, nếu không muốn nói là ngược lại. Lãi suất tăng cao sẽ làm chi phí trong cơ cấu giá bán của sản phẩm, dịch vụ của DN tăng, tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thì nhận định việc giãn tiến độ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tác động tích cực lên lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên sẽ khó có chuyện giảm lãi suất với cho vay, nhất là mua bất động sản. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cho vay vẫn có thể xảy ra nhưng chỉ ở một số NH lớn theo các lĩnh vực được ưu tiên theo định hướng của NHNN, chứ khó có thể diễn ra đồng bộ trên diện rộng.
Như vậy, nếu muốn giảm lãi suất cho vay thì NHNN cần phải tiến hành thêm nhiều giải pháp đồng bộ, ví dụ tiếp tục giảm các mức lãi suất điều hành để các NH thương mại được hưởng chi phí vốn thấp hơn.
Lãi suất cao khiến DN gặp khó
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nói đối với các DN, nhất là DN nhỏ thì lãi suất dưới 10% họ có thể nghĩ đến chuyện đầu tư. Nếu lãi suất vay trên 10% sẽ khiến không ít DN gặp khó khăn ngay.
Trong khi đó, hiện nay một số lĩnh vực ưu tiên được vay lãi suất thấp, còn với DN không thuộc đối tượng ưu tiên vẫn phải vay với lãi suất 11%-13%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao khiến nhiều DN gặp khó khăn về chi phí vốn.
Bất ngờ hạ giá mua USD
Ngày 10/10, giá mua vào USD của Sở Giao dịch NHNN ở mức 22.720 VND, giảm 5 VND so với mức áp dụng kể từ cuối tháng 6/2017 đến nay. Mức hạ giá này không nhiều nhưng đây là lần đầu tiên NHNN quyết định giảm giá mua vào USD kể từ khi Việt Nam bắt đầu áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm từ đầu năm 2016.
Đây là tín hiệu cho thấy NHNN muốn ổn định tỉ giá USD/VND, tạo điều kiện cho người kinh doanh chủ động trong sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu được rủi ro từ biến động tỉ giá.