Với số lượng học sinh đông nhất cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội khẳng định, đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu trong việc quyết định thời điểm, phương thức tổ chức đi học trở lại.
Học sinh Hà Nội đã học trực tuyến liên tục từ học kỳ II năm học trước và gần 1 tháng của năm học mới 2021-2022 |
Phụ huynh sốt ruột
Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 30-9 cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp với 100% học sinh được đến trường; 13 tỉnh, thành phố kết hợp cả dạy trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 tỉnh, thành phố vẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Hiện cũng đã có thêm một số tỉnh, thành phố có phương án cho học sinh đi học trở lại, trong đó có những nơi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh… Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình UBND TP về phương án mở cửa trường học đón học sinh trở lại.
Theo Sở này, việc mở cửa trường học trở lại đối với các địa phương được xác định là an toàn trong phòng chống dịch cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như: Đội ngũ giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần; Chỉ tổ chức học trực tiếp cho những học sinh trong địa bàn và trên tinh thần tự nguyện; Đồng thời, vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy - học trên môi trường internet… Nếu đề xuất được thực hiện, huyện Cần Giờ là địa bàn đầu tiên ở TP.HCM tổ chức dạy học trực tiếp với dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 10.
Tại Đà Nẵng, Sở GD-ĐT cũng dự kiến 4 phương án về việc tổ chức dạy và học trực tiếp trở lại. Trong đó, phương án 1 là cho học sinh khối lớp 9 và 12 đi học lại. Phương án 2 là các khối lớp 1 - 6 - 9 và 12. Phương án 3 là các khối 1 - 6 - 9 kèm theo các khối thuộc THPT. Phương án 4 là tổ chức dạy và học trực tiếp toàn bộ với dự kiến thời gian thực hiện là vào khoảng từ ngày 15 đến 20-10. Trong khi đó, tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết, kịch bản về việc đưa dần học sinh trở lại trường đang được đặt ra với những phương án khác nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm vẫn chưa có thời gian cụ thể.
Để học sinh trở lại trường cần phải cân nhắc để vừa đảm bảo an toàn, vừa bảo vệ thành quả phòng chống dịch |
An toàn cho học sinh, giáo viên là ưu tiên hàng đầu
Đa số học sinh và phụ huynh mong muốn nhà trường sớm cho học trực tiếp trở lại sau một thời gian dài chỉ học trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ bùng dịch bởi học sinh vẫn chưa được tiêm vaccine phòng dịch. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội dẫn chứng về trường hợp học sinh của tỉnh Hà Nam tựu trường đã phải tạm nghỉ vì phát hiện hàng chục học sinh, giáo viên mắc Covid-19, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên không thể nóng vội.
Hà Nội tiếp tục việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến, thường xuyên sử dụng kho học liệu điện tử nhằm đáp ứng mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. |
Dù Hà Nội đã có 96,1% giáo viên được tiêm vaccine, nhưng học sinh dưới 18 tuổi chưa được tiêm nên rất nguy hiểm. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, việc cho học sinh trở lại trường học tập là mong muốn của ngành Giáo dục Hà Nội. Với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngay sau khai giảng, ngành Giáo dục Hà Nội đã nỗ lực triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh, bước đầu ghi nhận hiệu quả, đáp ứng yêu cầu.
Mặc dù vẫn có những khó khăn nhất định đối với xã hội, đặc biệt là với giáo viên và học sinh khi phải dạy và học trực tuyến, nhưng để học sinh trở lại trường cần phải cân nhắc để vừa đảm bảo an toàn, vừa bảo vệ thành quả phòng chống dịch mà thành phố đã thực hiện trong thời gian qua. Hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng một số kịch bản cho học sinh đi học trở lại để trình UBND TP quyết định. Trong đó, phương án đầu tiên là cho phép học sinh các khối lớp 6 - 9 - 10 - 12 và học sinh các cấp ở “vùng xanh” được trở lại trường học sớm hơn.
Số học sinh còn lại sẽ quay lại trường sau vài tuần nếu tình hình dịch yên ổn, công tác phòng dịch của các trường triển khai chặt chẽ, nề nếp. Một phương án khác là chỉ học sinh các cấp ở “vùng xanh” đi học trở lại. Học sinh thuộc 9 quận ở “vùng vàng”, “vùng đỏ” vẫn học trực tuyến và qua truyền hình. Để chuẩn bị cho việc học sinh trở lại trường, dự thảo về Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học và hướng dẫn chi tiết phòng chống dịch tại trường cũng đang được xây dựng. “Với số lượng học sinh đông nhất cả nước thì việc đảm bảo an toàn cho các em là ưu tiên hàng đầu của thành phố, tránh trường hợp như có địa phương đã phải tạm ngừng việc học tập trực tiếp ở trường vì phát hiện có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2” - ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Tiếp tục học trực tuyến đến khi đủ điều kiện đến trường
Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị trường học trực thuộc; Giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Thủ trưởng các trường có vốn đầu tư nước ngoài; các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài; các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo tiêu chí, hướng dẫn, quy định của Trung ương và thành phố. Theo đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo nguyên tắc tại Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể, Hà Nội tiếp tục việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến, thường xuyên sử dụng kho học liệu điện tử nhằm đáp ứng mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Các đơn vị bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% làm việc tại đơn vị, 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính làm việc bình thường theo hình thức trực tiếp.
Các hoạt động hội họp tập trung không quá 20 người trong 1 phòng. Đặc biệt, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh không tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh (trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép), không tham gia các hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, không tham gia tụ tập đông người (từ 10 người trở lên); thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm cộng cộng.
Các trường cần tăng cường tuyên truyền chấp hành nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR qua website https://tokhaiyte.vn. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... Tích cực tham gia công tác phòng chống Covid-19 tại nơi cư trú; chung sức, đồng lòng, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” của thành phố. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện nghiêm “5K” cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Sở cũng yêu cầu các trường học chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tiếp tục duy trì việc phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của học sinh. Thống nhất trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nếu có tình huống liên quan đến yếu tố dịch tễ phải báo ngay với cơ quan y tế tại địa phương và thông tin cho nhà trường để xử lý kịp thời. Đồng thời, các đơn vị trường học tiếp tục chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học tập khi điều kiện cho phép.
Dịch COVID-19 kéo dài, 17 địa phương miễn học phí cho học sinh
Nhiều địa phương quyết định để hàng chục tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ học phí cho học sinh trong năm học 2021 - ... |
Học sinh TP.HCM đi học thế nào sau ngày 30/9?
Từ ngày 1/10, TP.HCM thực hiện chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có các ... |