Vì sao giá xăng tăng mạnh?

Hôm qua 26/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; xăng RON 95 thêm 1.460 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 120-1.170 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng một lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).

Trên thực tế, giá xăng trong nước tăng giảm chủ yếu di chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới. Ngày 25/10, giá dầu thô đã ghi nhận phiên tăng lịch sử, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn có thời điểm chạm mức 85,41 USD một thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014, trước khi giảm về 83,76 USD một thùng ở cuối phiên. Dầu thô Brent cùng lúc cũng tăng lên 86,43 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9.

Giá xăng tăng mạnh ngay cả khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá
Giá xăng tăng mạnh ngay cả khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá

Mức giá kỷ lục được thiết lập do nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới không ngừng tăng, sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, thiếu nguồn cung khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu trong khi mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm cũng khiến giá dầu đi lên. Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent khả năng vượt mức 90 USD một thùng.

Trước đà tăng giá của thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng tổng cộng 4 lần từ đầu tháng 9, với mức tăng hơn 3.200 đồng một lít với xăng, trên 2.100-3.000 đồng mỗi lít với dầu. So với tháng 2, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm gần 7.200 đồng; xăng E5 RON 92 thêm 6.800 đồng.

Tuy nhiên, với mức tăng ngày 26/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho rằng, giá xăng dầu trong nước vẫn điều chỉnh thấp hơn mức tăng của giá thế giới, nhờ công cụ Quỹ bình ổn giá.

Bộ Công Thương cho hay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục 100-200 đồng một lít, kg với mỗi loại xăng, dầu từ đầu năm đến nay. Kỳ điều hành hôm qua nếu không tăng chi quỹ với xăng E5 RON 92 và RON 95, giá các mặt hàng này tăng lần lượt là 1.859 đồng và 2.527 đồng một lít. Theo cơ quan này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10 tăng 7-11% tuỳ loại. Theo đó, mỗi thùng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) ở mức 97,36 USD, tăng 10,44% so với kỳ trước; RON 95 là 100,38 USD một thùng, tăng 11,2%; mỗi thùng dầu diesel cũng đắt thêm gần 8,5%, lên mức 95,2 USD...

Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.

Giá dầu thế giới tăng tác động đến kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh. Giá dầu tăng giúp tăng thu ngân sách từ dầu thô; tăng thu gián tiếp từ các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo, tác động tới các ngành sản xuất trong nước do đây là nhiên liệu đầu vào.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và thu nhập, chi tiêu của người dân.

Các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá nhiên liệu tăng
Các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá nhiên liệu tăng

Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng đã tăng tới 17 lần, giữ nguyên 3 lần và chỉ giảm 3 lần. Việc này tác động trực tiếp và nhanh nhất tới các doanh nghiệp vận tải khi ở ngành này, xăng dầu chiếm 35-40% cơ cấu chi phí.

Các chuyên gia nhìn nhận bên cạnh việc sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn, cần xem xét, miễn giảm một số loại thuế phí liên quan đến mặt hàng xăng dầu, qua đó giảm bớt phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Thực tế, xăng là một trong những mặt hàng đang phải gánh nhiều loại thuế, phí nhất hiện nay. Một lít xăng RON 95 có giá là 24.338 đồng/lít, nhưng số thuế phí phải gánh chiếm đến một nửa.

Theo quy định, cơ cấu giá xăng phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 2.860 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.430 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.434 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.

Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (tối đa 300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (tại kỳ điều chỉnh 26/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, mỗi lít xăng RON 95 hiện có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 24.338 đồng. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí có thể chiếm tới 50%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm tới 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.

PV (t/h)

https://nghenghiepcuocsong.vn/vi-sao-gia-xang-tang-manh/?fbclid=IwAR30pnpOs9e59XEyLs3spky72NZGoVmbzN8RKLjYr4fDbYcvh6tom3kGvdE

Giá xăng tăng cao nhất trong hơn 7 năm Giá xăng tăng cao nhất trong hơn 7 năm
Giá xăng trong nước sắp tăng mạnh? Giá xăng trong nước sắp tăng mạnh?
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống