Vì sao cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga và Ukraine chưa thể diễn ra?

Ngày 3-4, Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho rằng vòng hòa đàm chưa đủ tiến triển để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga và Ukraine.

Vì sao cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga và Ukraine chưa thể diễn ra? ảnh 1
Nga vẫn vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine

Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky khẳng định lập trường của Matxcơva liên quan tình trạng Bán đảo Crimea và khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine vẫn không thay đổi. Đăng trên tài khoản Telegram, ông Medinsky nêu rõ: “Dự thảo thỏa thuận chưa sẵn sàng để đệ trình lên cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Tôi xin nhắc lại: Lập trường của Nga đối với Crimea và Donbas vẫn không thay đổi”.

Trước đó, ngày 2-4, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc đàm phán của Nga với Ukraine không dễ dàng, song Matxcơva vẫn đang nỗ lực tiến hành. Ngoài ra, ông Dmitry Peskov cho biết Nga muốn tiếp tục đàm phán với Ukraine ở nước láng giềng Belarus, nhưng Kiev đã phản đối đề nghị này.

Trong khi đó, đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong phát biểu trên truyền hình, ông David Arakhamia không đề cập tới thời gian hay địa điểm. Theo quan chức này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine, và dường như để xác nhận từ hai phía về việc họ sẵn sàng cho một cuộc gặp trong tương lai gần. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ nhiều khả năng sẽ là ở Istanbul hoặc Ankara”.

Trong khi đó, một nhà đàm phán của Ukraine cho biết Nga đã đồng ý “bằng lời” các đề xuất chính của Kiev để sớm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 2-4, ông David Arakhamia, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cũng là thành viên phái đoàn của Ukraine, cho hay các cuộc đàm phán giữa hai bên đang có những tín hiệu tích cực. Ông này cũng cho biết dù “chưa có xác nhận chính thức nào bằng văn bản”, nhưng phía Nga đã nhất trí “bằng lời nói”.

Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra ngày 29-3. Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Matxcơva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một “thỏa thuận hòa bình” giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.

Theo thỏa thuận đàm phán, Ukraine và Nga đã tiến hành trao đổi tù binh. Trong thông báo trên Telegram, Phó Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine - ông Kyrylo Tymoshenko, cho biết hai bên đã tiến hành trao đổi tù binh ở vùng Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine. Thông báo nêu rõ phía Nga đã trao trả 86 binh sỹ Ukraine, trong đó có 15 nữ binh sỹ.

Trong một diễn biến liên quan, Nga vẫn vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine. Ngày 3-4, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố tập đoàn này đang đáp ứng yêu cầu của các khách hàng châu Âu, cung cấp hơn 108 triệu mét khối khí đốt tự nhiên qua Ukraine. Tuyên bố của Gazprom nêu rõ: “Gazprom đang cung cấp khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine như thường lệ, theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu. 108,4 triệu mét khối được giao ngày 3-4”. Thỏa thuận của Gazprom với Ukraine giới hạn lượng khí đốt hàng ngày đi qua nước láng giềng này, vào khoảng 109,6 triệu mét khối/ngày, tương đương 40 tỷ mét khối cho đến cuối năm 2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31-3 đưa ra “tối hậu thư” theo đó các nước “không thân thiện” sẽ phải mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Các đợt giao hàng từ ngày 1-4 phải được thanh toán bằng đồng ruble, nếu không Nga sẽ đóng băng hợp đồng.

Châu Âu mua khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, được vận chuyển trên các đường ống qua Belarus, Ukraine và Ba Lan hoặc đường ống dưới Biển Baltic. Tuần trước, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ chưa dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức. Các khoản thanh toán cho khí đốt được giao từ 1-4 sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, đó là lý do tại sao Nga chưa ngay lập tức đóng van đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu.

Kỳ Thư

Nhà Trắng: Xung đột Nga-Ukraine còn lâu mới kết thúc Nhà Trắng: Xung đột Nga-Ukraine còn lâu mới kết thúc
Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm
Nhân vật cầu nối được lòng cả Nga và Ukraine Nhân vật cầu nối được lòng cả Nga và Ukraine
/ www.anninhthudo.vn