Khi vaccine đạt độ bao phủ trong 70% dân số, miễn dịch cộng đồng xuất hiện, Covid-19 sẽ được kiềm chế và đẩy lùi.
Ngày 15/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng cho 70% dân số, đối tượng là người trưởng thành, tương đương 150 triệu liều vaccine Covid-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Australia, cho biết, chiến lược chống Covid-19 thực tế nhất là xây dựng một cộng đồng có khả năng miễn dịch để kiềm chế virus lây lan.
Theo đó, cách xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh là tiêm chủng vaccine cho nhiều người trong cộng đồng, từ đó có kháng thể (antibodies) để chống trả virus. Nói cách khác, người được chủng ngừa gián tiếp bảo vệ người chưa hoặc không được tiêm chủng. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ tiêm chủng càng cao thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lý chính của khái niệm miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư Tuấn cho biết, tỷ lệ cần tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hai yếu tố là hiệu quả vaccine và hệ số lây lan. Nếu một người lây nhiễm cho hai người khác, và hai người đó lây nhiễm cho 4 người khác... thì hệ số lây lan là 2.
Giáo sư đưa ra một công thức: T= (1 - 1/R) / E. Trong đó, T là tỷ lệ cần tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng. R0 là hệ số lây lan. E là hiệu quả vaccine.
Theo một nghiên cứu tổng quan thì hệ số R0 = 2,87, phản ảnh mức độ lây lan ở Việt Nam. Hiện nay, vaccine AstraZeneca có hiệu quả từ 70% đến 90%. Như vậy, tỷ lệ cần tiêm chủng T được tính như sau: T = (1 - 1 / 2,87) / 0,9 = 0,72, tức khoảng 72% dân số tiêm vaccine AstraZeneca thì đạt miễn dịch cộng đồng.
Để giảm hệ số lây lan, kiểm soát dịch, giáo sư cho rằng chỉ vaccine vẫn chưa đủ, mà phải kèm theo biện pháp y tế công cộng như 5K Việt Nam đang áp dụng.
Dòng xe kẹt cứng hướng từ quận 12, Gò Vấp về các quận trung tâm ngay chốt kiểm soát dịch Phan Văn Trị. Ảnh: Hữu Khoa |
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết con số 70% để đạt miễn dịch cộng đồng là dựa trên các nghiên cứu về vấn đề miễn dịch cộng đồng trên thế giới.
Nói dễ hiểu, ví dụ trong một cộng đồng có 10.000.000 dân, tiêm vaccine được 7.000.000 người thì 3.000.000 người còn lại có thể không tiêm nhưng dịch cũng không bùng phát lớn mà chỉ có các ca lẻ tẻ với ổ dịch rải rác.
Một số người dù tiêm đủ vaccine vẫn có thể mắc Covid-19 và lây truyền virus cho người khác, song không vì điều đó mà nghi ngờ hiệu quả của vaccine. Theo ông Phu, lợi ích của vaccine phải nhìn trên tổng thể, ở yếu tố miễn dịch cộng đồng. Tiêm vaccine đồng loạt, với tỷ lệ khoảng 70-80% người trong cộng đồng được chích ngừa, có thể bảo vệ được cộng đồng đó khỏi mắc bệnh, từ đó giảm số ca bệnh nặng, giảm số người tử vong, giảm áp lực lên hệ thống y tế.
Mỹ, dù triển khai tiêm vaccine ở phần lớn dân số, vẫn ghi nhận số người mắc Covid-19 khoảng 10.000 mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này đã giảm rất nhiều lần so với trước đây, khoảng 400.000 ca một ngày. Số ca bệnh nặng, số tử vong cũng giảm hẳn, chỉ còn vài trăm trường hợp qua đời một ngày so với hàng nghìn ca vào mùa đông xuân trước. Tương tự, số mắc mới, số tử vong ở Trung Quốc cũng giảm mạnh sau khi tiêm vaccine diện rộng.
Thúy Quỳnh - Thùy An
Ai không được tiêm vaccine Covid-19?
Bộ Y tế phân loại 4 nhóm gồm người đủ điều kiện, người cần thận trọng, người phải trì hoãn và người chống chỉ định ... |
Mỹ gửi 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 cho Đài Loan
Quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết nước này sẽ chuyển 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 cho Đài Loan, nhiều gấp ba lần ... |
TP HCM cần 2,3 triệu liều vaccine cho 10 nhóm ưu tiên
TP HCM cần hơn 2,3 triệu liều vacine phòng Covid-19 để tiêm cho 10 nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. |