Vì sao bệnh nhân COVID-19 qua đời dù tuổi còn trẻ và không mắc bệnh lý nền?

Nhiều người trẻ nghĩ rằng họ đủ sức khỏe để chống COVID-19 và ngay cả khi có bệnh lý nền mà nhiễm bệnh thì tỷ lệ khỏi cũng rất cao, điều này liệu có đúng?

Bộ Y tế mới đây công bố bệnh nhân COVID-19 qua đời là BN4807, nữ, 38 tuổi, là công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang. Điều đáng chú ý đây là bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM, trường hợp bệnh nhân qua đời của tuổi 38 cho thấy mọi chuyện đều có thể xảy ra và người trẻ hoàn toàn có thể mắc và chết do COVID-19.

Người bệnh qua đời do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như cơ địa yếu, hoặc lý do khác là bệnh nhân phát hiện bệnh quá muộn, khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. “Không riêng gì COVID-19 mà tất cả các bệnh khác, nếu phát hiện bệnh quá muộn, virus sẽ có thời gian tấn công vào các cơ quan khác trong cơ thể. Lúc này việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong cũng vì thế mà tăng cao”, bác sĩ Khanh nói.

Vì sao bệnh nhân COVID-19 qua đời dù tuổi còn trẻ và không mắc bệnh lý nền? - 1
Một ca COVID-19 nặng tại Việt Nam đang được cấp cứu, điều trị. (Ảnh: Bộ Y tế)

Theo bác sĩ Khanh, biến chủng virus mới SARS-CoV-2 B.1.617.2 từ Ấn Độ khác biệt với biến chủng trước. Biến chủng này nguy hiểm bởi nó lây lan rất nhanh và thời gian ủ bệnh rất ngắn. Vì thế mới có trường hợp tiếp xúc ca bệnh 1 đến 2 ngày đã có triệu chứng bệnh.

“Virus nhân lên nhanh chóng nên chỉ 1-2 ngày nồng độ virus trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính. Đến nay dù chưa có minh chứng nào về việc biến chủng virus của Ấn Độ tăng hơn độc lực khiến bệnh nhân nặng hơn, nhưng các báo cáo theo dõi vẫn nghi ngờ chủng này tấn công người bệnh nhanh hơn”, bác sĩ Khanh nói.

Chuyên gia về truyền nhiễm này cũng khẳng định, hiện chưa có tài liệu nào nói rằng người trẻ không mắc bệnh lý nền nhiễm SARS-CoV-2 tình trạng bệnh sẽ không tăng nặng. Thực tế, giới khoa học luôn đề cập tới vấn đề tỷ lệ người trẻ khi mắc COVID-19 sẽ nhẹ hơn so với những người lớn tuổi có mắc kèm bệnh lý nền.

“Chúng ta cần phải bỏ ngay suy nghĩ là cứ trẻ mắc COVID-19 là nhẹ và không ảnh hưởng gì. Trong y văn từng đề cập tới vấn đề là mọi chuyện đều có thể xảy ra, không có nghĩa trẻ là bệnh không nặng. Do đó, chúng ta không được chủ quan, nhất là người trẻ tuổi”, bác sĩ Khanh nói.

Trong lần hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng mới đây, GS-TS Nguyễn Gia Bình, nguyên trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu tình trạng bệnh ở người trẻ tuổi. Các báo cáo trong nhóm điều trị COVID-19 cho thấy, bệnh nhân trong đợt dịch thứ 4 có diễn tiến nặng hơn nhiều so với đợt dịch ở Hải Dương.

Đặc biệt, trong đợt dịch này, nhiều bệnh nhân dù còn trẻ, không mắc tiền sử bệnh lý nền nhưng vẫn chuyển biến nặng. Nhiều ca bệnh biến chứng xuống phổi ngay trong tuần đầu tiên. Do đó việc điều trị đối với những bệnh nhân này thực sự là hành trình khó khăn.

GS Bình cho biết, đến nay dù chưa đủ cơ sở để đánh giá chủng Ấn Độ biến đổi độc lực, nhưng tốc độ lây lan là rất nhanh. Như ở Ấn Độ, dịch bùng phát bởi tập trung đông người, lan rộng với số ca nhiễm kỷ lục gây quá tải bệnh viện, thiếu oxy, hệ thống y tế không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị là yếu tố quan trọng khiến nhiều ca tử vong, chưa có đủ cơ sở để nói do độc lực của biến chủng mới.

Nhiều chuyên gia đánh giá, biến chủng SARS-CoV-2 B.1.167.2 từ Ấn Độ có đột biến kép trên đoạn protein S. Chính đột biến kép này sẽ giúp cho virus có khả năng lây lan rất nhanh, gây tình trạng lâm sàng nặng hơn so với những chủng trước đây. Ngoài ra, biến chủng này cũng được cả thế giới hết sức chú ý do tốc độ lây lan nhanh hơn cả biến chủng của Anh (B.1.1.7).

Ai cũng có thể chết vì COVID-19

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa bệnh còn phụ thuộc vào diễn biến và độc lực của từng chủng virus. Ngoài ra, tỷ lệ này cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.

Với người quá lớn tuổi có thể tự nhiên mất mà không do bệnh lý gì (chết già). Vì vậy khi họ nhiễm COVID-19 cộng thêm chết do bệnh lý (chết bệnh) thì tỷ lệ tử vong đương nhiên sẽ tăng cao hơn ngươi trẻ. Hơn nữa diễn biến COVID-19 ở người già cũng phức tạp và điều trị khó khăn hơn người trẻ tuổi.

Lý giải rõ hơn, bác sĩ Cấp đưa ra số liệu so sánh giữa nguy cơ tử vong của các nhóm bệnh nhân khác nhau về việc các nhà thống kê thường dùng khái niệm tỷ suất chênh (Odd Ratio - OR) để đo lường sự tác động của các yếu tố đến các nguy cơ mắc bệnh hay tử vong.

Vì sao bệnh nhân COVID-19 qua đời dù tuổi còn trẻ và không mắc bệnh lý nền? - 2
Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên tổ chức hội chẩn quốc gia điều trị cho các bệnh nhân nặng.

Thống kê trên 64.781 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại 592 bệnh viện tại Mỹ năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tử vong chung ở các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng khoảng 20,3%. Trong khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, trẻ, khỏe thì có khoảng 20 người tử vong. Nhưng với nhóm 100 bệnh nhân trên 80 tuổi thì tỷ lệ tử vong sẽ là khoảng 66 người. Cùng lứa tuổi, nhóm bình thường tử vong 20 người thì nhóm có bệnh tiểu đường sẽ tử vong khoảng 32 người.

“Như vậy là khi nhiễm COVID-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và có thể tử vong", bác sĩ Cấp nói. Ông cũng dẫn chứng ngay từ đầu vụ dịch, tại Vũ Hán ghi nhận bác sĩ Lý Văn Lượng mới 34 tuổi vẫn bị tử vong. Sau đó một loạt những người nổi tiếng khỏe mạnh như nữ cầu thủ Elham Sheikhi của Iran tử vong ở tuổi 23, lực sĩ Victor Luna ở Brazil, qua đời vì COVID-19 ở tuổi 37, lực sĩ đa tài Dmitriy Stuzhuk ở Ukraina, một người không chịu tin rằng có bệnh COVID-19 đã qua đời vì chính bệnh này ở tuổi 33.

BN4807 nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ngày 17/5, sau đó có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5 bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng: ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên.

Ngày 23/5 bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp XQ cho thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở ô xy dòng cao HFNC. Đến 22h bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn.

Qua hội chẩn với Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả.

Bệnh nhân qua đời lúc 4h30 ngày 24/5. Chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.

PHẠM QUÝ

Công nhân được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 Công nhân được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19
Số ca Covid-19 tăng kỷ lục Số ca Covid-19 tăng kỷ lục
Một nửa dân số trưởng thành Mỹ tiêm xong vaccine Covid-19 Một nửa dân số trưởng thành Mỹ tiêm xong vaccine Covid-19
/ vtc.vn