Những gì trong trẻo nhất, tốt đẹp nhất đã ăn sâu vào tiềm thức thì sẽ theo suốt cuộc đời người cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Tôi vào lớp 1 năm 1986 - đây là thời khắc đánh dấu sự đổi mới của đất nước sau thời gian theo cơ chế bao cấp. Những năm này, nền kinh tế nước ta vừa chuyển sang cơ chế thị trường, cuộc sống của người dân còn muôn vàn khó khăn. Học sinh nhà quê thuở ấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc và thường phải đi xin sách vở từ các anh chị khóa trước.
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo của tỉnh Quảng Trị, may mắn hơn chúng bạn là được ba mẹ mua cho bộ sách mới khi vào lớp 1. Tôi không nhớ rõ bộ sách có bao nhiêu quyển, dày mỏng thế nào, nhưng riêng sách Tiếng Việt thì vẫn nguyên vẹn trong ký ức. Những bài học trong sách được in trên chất liệu giấy có màu trắng đục, chữ viết trình bày sáng rõ bằng hai màu xanh, đen và có nhiều hình vẽ minh họa rất bắt mắt.
Sách có 2 tập. Tập 1 chủ yếu dạy học sinh cách đánh vần rồi ghép thành tiếng, sau đó chuyển sang đọc những câu ngắn gọn, đơn giản. Chẳng hạn như học đến vần “anh” thì học sinh luyện đọc cụm từ “cây cảnh”, “quả chanh”… cùng với bài tập đọc “Còn bé em mặc áo xanh/Khi lớn như anh em mặc áo đỏ” (đố là quả gì).
Sách Tiếng Việt 1, xuất bản năm 1990. (Ảnh: Hà Cường) |
Học sinh chúng tôi khi đọc và hiểu được nội dung bài này thì thích thú vô cùng, ai cũng cố tìm cho ra đáp án, càng nhanh càng tốt. Thế nhưng có nhiều bạn cứ vò đầu bứt tóc mãi mà chẳng thể nghĩ ra. Khi biết được đáp án câu đố là quả ớt thì tiếc ngẩn tiếc ngơ vì câu đố quá dễ thế mà mình phải chịu thua.
Hay khi học đến vần “ênh” thì học sinh được làm quen với cụm từ “cầu bập bênh”, “cao lênh khênh” và một bài thơ ngắn gọn:
“Con kênh xanh xanh/Đẹp ánh bình minh/Có nhịp cầu xinh/Nối đôi bờ cỏ”. Chúng tôi chỉ cần đọc qua một vài lần, sau đó nhẩm lại thì thuộc lòng ngay tại lớp, bởi bài thơ có hình ảnh giản dị “con kênh”, “bình minh”, “bờ cỏ” và vần điệu suôn sẻ “minh”, “xinh”.
Tôi cũng nhớ nằm lòng những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao trong cuốn sách này như “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”; “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá mà quàng phải dây”.
Hay như: “Cái cò đi đón cơn mưa/Tối tăm mù mịt ai đưa cò về/Cò về thăm quán cùng quê/Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh”; “Dù ai nói ngả nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”...
Hằng ngày chúng ta được nghe ông bà, cha mẹ ru con, cháu bằng những câu hát từ ca dao, dân ca. Những thể loại văn học dân gian này đã ăn sâu vào cảm thức của biết bao người Việt. Cũng bởi lẽ đó, từ hàng ngàn năm qua, cha ông chúng ta dẫu không biết chữ nhưng vẫn thuộc và lưu truyền hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ… kể cả Truyện Kiều (Nguyễn Du) – với thể thơ lục bát nhuần nhuyễn thấm đẫm hồn cốt của dân tộc.
Thế nên không có lý do gì học sinh chỉ mới lên sáu phải học những từ, ngữ, câu chữ vô hồn vô cảm, chẳng hạn: “khổ mỡ”, “mõm chó”, “nhá cỏ”, “gà nhí”, “gà nhép”, “nghé có cỏ, có mía”, “Bi có phở”… như sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều mới đây.
Sang đến sách Tiếng Việt 1, tập 2, tôi đặc biệt ấn tượng với các bài như: “Gửi lời chào lớp Một” (theo Hữu Tưởng), “Chim sâu” (Phong Thu), “Võ Thị Sáu” (Phan Thị Thanh Nhàn), “Cháu đi vào mỏ” (Ngô Viết Dinh), “Cái võng” (Định Hải), “Hai con dê” (phỏng theo truyện ngụ ngôn của La-phong-ten), “Con quạ thông minh” (La-phong-ten)…
Cũng là câu chuyện ngụ ngôn có gốc gác từ nước ngoài nhưng truyện “Hai con dê” lại dễ thuộc, dễ nhớ vô cùng và mang tính giáo dục cao.
“Dê Đen và Dê Trắng cùng qua một chiếc cầu hẹp. Dê Đen đi đằng này lại. Dê Trắng đi đằng kia sang. Con nào cũng muốn tranh sang trước. Chẳng con nào chịu nhường con nào. Chúng húc nhau. Cả hai đều rơi tòm xuống suối”.
Câu chuyện giáo dục con trẻ, trong cuộc sống nếu chúng ta biết nhường nhịn nhau thì chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc. Nếu tranh giành thì cả hai có thể phải gánh những hậu quả đáng thương.
Đặc biệt, tôi vẫn còn cảm xúc nguyên vẹn như thuở thiếu thời mỗi khi có dịp đọc lại bài thơ “Gửi lời chào lớp Một” (theo Hữu Tưởng). Bài thơ có đoạn:
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước,
Nay giờ phút chia tay,
Gửi lời chào tiến bước!
Chào bảng đen cửa sổ,
Chào chỗ ngồi thân quen.
Tất cả! Chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên.
Sách Tiếng Việt 1, xuất bản năm 1973. (Ảnh: Hà Cường) |
Nhà văn Phạm Khải bình luận: “Cái chia tay của các bạn lớp Một 'năm nay lên lớp hai' không nhiều bịn rịn như sự chia tay của các anh chị cuối cấp, khi ra trường, vì chia tay ở đây là chia tay với lớp, với bàn ghế cũ, với cô giáo, không phải là chia tay với bạn bè cùng học.
“Tất cả! Chào ở lại” cơ mà. Không khí chia tay, bài thơ có cái gì đó rộn ràng, vui vẻ, các bạn nhỏ của chúng ta cũng tỏ ra hãnh diện, hãnh diện trong câu nói: “Tất cả! Chào ở lại/Đón các bạn nhỏ lên”.
Lớp Một của chúng tôi chia tay nhau thân thương và đáng yêu vô cùng, một phần cũng nhờ những bài thơ như thế.
Những ngày gần ngày đây, sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều bị chỉ trích dữ dội bởi có nhiều phương ngữ, rồi sử dụng truyện ngụ ngôn cải biên kiểu phỏng theo chắp vá khiến dư luận dậy sóng. Cộng đồng mạng lại hoang hoải “đào” lại những trang sách Tiếng Việt gây thương nhớ một thời cũng là điều dễ hiểu.
Những gì trong trẻo nhất, tốt đẹp nhất đã ăn sâu vào tiềm thức thì sẽ theo suốt cuộc đời người cho đến khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay.
Đành rằng xã hội ngày nay đã thay đổi, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… thì sách giáo khoa theo đó cũng phải thay đổi cho phù hợp. Thế nhưng những đổi mới kiểu chắp vá, khập khiễng, gượng ép… như sách Tiếng Việt 1 mới thì quả thật rất đáng trăn trở.