Vi phạm bản quyền - “nút thắt” ngành xuất bản số

Thị trường xuất bản sách toàn cầu năm 2024 được định giá khoảng 151 tỷ USD. Nếu tăng trưởng ổn định, thị trường này dự kiến sẽ đạt khoảng 192 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, quy mô thị trường xuất bản sách tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 153 - 192 triệu USD). Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngành xuất bản Việt Nam cũng buộc phải chuyển mình để thích nghi và phát triển, và một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền.

Theo số liệu nghiên cứu của tổ chức Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng đầu với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp. Đáng nói, các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) nhận định, các nhà xuất bản và các tác giả đang gặp nhiều khó khăn do thách thức mới của công nghệ, sự phát triển của các hình thức truyền thông và thương mại điện tử trên không gian mạng.

Thực tế, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật liên quan đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh để bảo vệ bản quyền sách. Dẫu vậy, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp, các giải pháp chưa thể xử lý triệt để.

Thị trường xuất bản năm 2024 đạt khoảng 151 tỷ USD, trong đó ebook và audiobook chiếm tới 30% thị phần. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Điện Tử Aki cho biết, tại Việt Nam, ebook hiện chỉ chiếm chưa đến 5% giá trị toàn ngành xuất bản. Việt Nam gần như không có nền tảng phân phối nội dung đa dạng, có bản quyền. Hệ quả là hình thành thói quen đọc sách lậu, vi phạm bản quyền lan rộng. Bên cạnh đó, thiết bị chuyên biệt - là trụ cột quan trọng trong ngành ebook, thì đến nay, vẫn chưa được sản xuất phổ biến tại Việt Nam dù trên thế giới, máy đọc sách đã xuất hiện từ những năm 2008.

Cũng theo ông Hùng, hiện một số nhà xuất bản vẫn còn chần chừ trong việc xuất bản ebook. Nếu không nhanh chóng đổi mới tư duy, cởi mở hơn trong xuất bản số, ngành xuất bản Việt Nam sẽ bị tụt lại phía sau, bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thế hệ độc giả trẻ.

Cùng với đó, các hành vi đánh cắp nội dung ngày càng trở nên tinh vi, dễ dàng vượt qua nhiều lớp kiểm soát và hệ thống phát hiện. Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số cho rằng, các biện pháp răn đe hành vi vi phạm bản quyền có lẽ chưa đủ sức nặng. Mức xử lý cao nhất là hình sự lại rất khó áp dụng, đặc biệt trong môi trường số thì việc chứng minh được thiệt hại tài sản cụ thể lại không đơn giản. Vì thế, lâu nay đa số các vụ việc chỉ có thể xử phạt hành chính, do vậy chưa đủ sức răn đe, khiến hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn mà không bị ngăn chặn triệt để.

Kỷ nguyên số thúc đẩy phát triển xuất bản điện tử nhưng cũng kéo theo nhiều khó khăn trong bảo vệ bản quyền
Kỷ nguyên số thúc đẩy phát triển xuất bản điện tử nhưng cũng kéo theo nhiều khó khăn trong bảo vệ bản quyền

Tiếp cận bản quyền theo hướng chủ động

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên, tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản đang có những bước tiến tích cực. Hiện đã có hơn 50% nhà xuất bản tham gia lĩnh vực xuất bản điện tử, với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói; đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện. Bên cạnh đó, thị trường máy đọc sách ở Việt Nam hiện ghi nhận khoảng 300.000 người dùng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Những con số này cho thấy dư địa phát triển rất lớn của ngành xuất bản trong kỷ nguyên số nếu biết tận dụng cơ hội và chấp nhận đổi mới tư duy.

Ông Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, cần tiếp cận vấn đề bản quyền theo hướng chủ động và tích cực hơn. Khi thói quen tiêu dùng tích cực được hình thành, người dùng sẽ dần từ bỏ việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền. Cốt lõi vẫn là tạo ra những sản phẩm thực sự hữu ích, đúng nhu cầu của người đọc, đi kèm mức chi phí hợp lý và trải nghiệm thân thiện nhờ ứng dụng công nghệ. Khi người dùng cảm thấy dễ tiếp cận và được phục vụ tốt, họ sẽ sẵn sàng trả phí. Đó mới là cách bền vững để xây dựng ý thức tôn trọng bản quyền.

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, nhà phát hành cũng có thể chủ động báo cáo và yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến. Cần có những chiến dịch tuyên truyền và giáo dục văn hoá đọc cho công chúng, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ cũng như những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng sách lậu. Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn sách chính thống và chất lượng, có mua bản quyền từ tác giả hoặc nhà xuất bản…

https://thoibaonganhang.vn/vi-pham-ban-quyen-nut-that-nganh-xuat-ban-so-167309.html

Thái Hà / thoibaonganhang.vn