Đúng 7 giờ 50 ngày 28-1, vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản). Khoảng 8 giờ 40, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km.
Đúng 7 giờ 25 sáng 18-1 (giờ Hà Nội), tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura (tỉnh Kagoshima, Nhật Bản), ông Hiroshi Yamakawa, đại diện Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo thời tiết tốt, sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh. Các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản tập hợp tại trung tâm điều khiển tên lửa, cách vị trí đặt tên lửa 3 km để quan sát. Tên lửa rời bệ phóng lúc 7 giờ 50 (giờ Hà Nội).
7 giờ 50 (theo giờ Việt Nam) tên lửa đẩy Epsilon rời bệ phóng - Ảnh chụp màn hình
JAXA cho hay vệ tinh MicroDragon được tách khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 511 km với vận tốc là 7,6 km/s.
Vào lúc khoảng 8 giờ 40, vệ tinh MicroDragon được tách ra thành công ở độ cao 511 km. Sau khi vệ tinh của Việt Nam tách ra thành công, tên lửa đẩy tiếp tục đưa các vệ tinh khác lên các quỹ đạo tiếp theo.
Tên lửa Epsilon 4 mang theo 7 vệ tinh bay vào quỹ đạo - Ảnh chụp màn hình.
Tên lửa Epsilon số 4 mang theo 7 vệ tinh thử nghiệm công nghệ, gồm: Vệ tinh nhỏ của JAXA (200 kg); 3 vệ tinh dòng micro (60 kg) của Đại học Tohoku, MicroDragon (50 kg) của Việt Nam, ALE-1 (68 kg) của Công ty ALE và 3 vệ tinh lớp cubesat (4 kg) và một số vệ tinh khác nặng từ 1 đến 3 kg sẽ bay vào quỹ đạo.
Hình ảnh miêu tả vệ tinh MicroDragon của Việt Nam sẽ được tách ra - Ảnh: JAXA
Vệ tinh MicroDragon là sản phẩm trong khuôn khổ của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ "Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50 kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản".
MicroDrago được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ năm 2013 - 2017.
Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
Vệ tinh Việt Nam rời bệ phóng bay vào quỹ đạo
MicroDragon và các vệ tinh của Nhật đã bay vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura. |
Lùi ngày phóng vệ tinh ‘made by Vietnam’ do thời tiết xấu
Thời gian phóng vệ tinh sẽ chuyển sang thứ Sáu lúc 7h50 (giờ Hà Nội) ngày 18/1, lùi một ngày so với dự kiến ban ... |
Huy Thanh