“Chí Phèo đại diện cho ai ?”, là một câu hỏi ngây thơ, giáo điều.
PGS.TS Đào Duy Hiệp.
1. Cứ cho là lời đề xuất của anh Nguyễn Song Hiền, nghiên cứu sinh (NCS) bên Úc, đòi bỏ truyện ngắn "Chí Phèo" ra khỏi SGK là “trong sáng”, với động cơ tốt đi, thì tại sao lại có chuyện đồng loạt các nhà khoa học, các nhà giáo lên tiếng trên các báo mạng phản đối anh? Câu trả lời của tôi là: Anh ta đã sai lầm ngay từ xuất phát điểm khi đọc văn bản văn học, dù cho anh làm NCS về văn học hoặc về ngành nào khác.
2. Cứ cho là những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến là những "nguyên mẫu" của ai đó có thật ở làng Vũ Đại ngày ấy, thì vẫn là những hư cấu nghệ thuật. Và do được hư cấu, nên các nhân vật đó có tầm vóc “đại diện” rộng lớn, đa nghĩa hơn so với chính con người của chúng, với chính nguồn gốc mà chúng xuất thân.
“Chí Phèo đại diện cho ai ?”, là một câu hỏi ngây thơ, giáo điều. Về mặt xã hội, Chí Phèo xuất thân nông thôn, nên anh ta là đại diện cho những con người nông dân cùng khổ, bị áp bức, bóc lột. Về mặt nhân sinh, hắn đại diện cho nỗi cô đơn, không nơi bám víu và bị đày đọa của những kiếp người từ thành thị đến nông thôn thời đó trong những “Bỉ vỏ”, “Tắt đèn”, “Bước đường cùng”, “Giông tố”,... tuy những cảnh ngộ không giống nhau.
Trong đó, nỗi cô đơn của Chí là “toàn diện” hơn cả: Về quan hệ ruột thịt, hắn không cha không mẹ; về quan hệ cộng đồng, hắn không thuộc bên nào giữa hai giai tầng: Trên là cường hào, ác bá, dưới là những người dân quê hiền lành không dám rây với hắn; về không gian, hắn ở “bãi sông”, “ngụ cư”, chứ không phải sống giữa đồng bào của hắn ở trong làng.
Một kẻ cô đơn tuyệt đối như vậy, được khắc họa bằng một ngòi bút bậc thầy hiện thực, lại không đáng thương, đáng xúc động, không đại diện cho ai sao?
Flaubert viết, đại ý: “Lịch sử một con chấy mà được khai thác giỏi cũng lí thú chẳng kém gì lịch sử một danh nhân”, là ông muốn nhấn mạnh đến phong cách, tài năng, nghệ thuật ngôn từ, cái nhìn cuộc sống của người nghệ sĩ. “Con chấy-Chí Phèo” là một kiệt tác mà đã nhiều lần tôi viết nghiên cứu, cũng như liên hệ trong giảng dạy trước sinh viên.
3. Có hai “vụ án” trong “Chí Phèo” mà NCS. Nguyễn Song Hiền vin vào đó để đòi bỏ ra khỏi SGK, đó là: “Vụ” đêm trăng vườn chuối và “vụ” giết Bá Kiến.
Anh Song Hiền lo sợ việc “cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở” của Chí Phèo sẽ “cổ xúy cho lớp trẻ để bắt chước làm theo”. Ngoài đời, thì đúng là đáng lên án hành động đó. Nhưng đây là văn bản nghệ thuật hư cấu từ bối cảnh cho tới những “dị nhân” không bình thường về thể xác và tâm hồn. Logic nghệ thuật đặt cho ta câu hỏi: Nếu không có đêm đó thì thị Nở có hết được “thiểu năng” không? Hay nàng vẫn vẫn mãi mãi u mê, ngẩn ngơ, lú lẫn, suốt đời không biết đến cái gương?
Sau đêm đó, Thị đã biết cười yêu, biết thương, biết nhớ nhung, biết lườm, biết chăm sóc, biết e thẹn khi nghĩ đến hai chữ “vợ chồng”, cũng có nghĩa là biết đến bản năng làm mẹ, đến ý nghĩa cuộc đời, mà suốt bao năm thị Nở không biết. Chí Phèo xuất hiện, vô tình đã đánh thức toàn bộ cơ thể, tinh thần của thị đang triền miên mụ mị, mê ngủ phí hoài suốt hơn ba mươi năm cuộc đời. Theo đó, xét về mặt nội dung nghệ thuật và logic trong tác phẩm, tôi cho rằng, anh Chí có công hơn là có tội. Và Thị Nở phải cảm ơn hắn nhiều hơn một bát cháo hành! Chỉ hơi tiếc, giá anh Chí có điều kiện một chút, đừng vội vã mà tiến hành từng bước dạm ngõ, ăn hỏi, rồi cưới xin đàng hoàng, thì thật “đôi lứa xứng đôi”!
Tôi không nghĩ học sinh sẽ bị “cổ xúy” theo chuyện đó, bởi các cháu là những con người bình thường, khỏe mạnh, trong sáng cả về thể xác, tâm hồn và đọc tác phẩm với tâm thế gián cách, biết đó là hư cấu. Chúng sẽ đọc và phân tích về tài năng nghệ thuật của Nam Cao thế nào? Tại sao tác giả lại để đoạn đêm trăng vườn chuối “diễm tình” dài đến 2/3 tác phẩm? Tại sao những phân tích của tác giả về logic tâm lý và hành động của hai nhân vật lại hay đến thế?
4. Vụ án thứ hai về giết Bá Kiến. Bá Kiến là kẻ gian ác, lưu manh thượng thừa, kẻ đã đẩy Chí Phèo vào tù, đã khiến hắn thành lưu manh, bất cần đời, là một tội ác. Nhưng tội ác khác xa xưa, còn lớn hơn nhiều, đó là việc sinh ra Chí, nếu như ai đó đã đặt ra giả thuyết này là đúng! Đọc lại tác phẩm, có một chi tiết có thể khớp với giả thuyết trên: Khi Chí cào mặt ăn vạ, bị Lý Cường nhảy ra đánh, Bá Kiến đi đâu về, hiểu chuyện. Trước là mời các ông bà hàng xóm ai về nhà nấy, sau quay ra quát mấy bà vợ đang định tâng công vào nhà, rồi nháy mắt với Lý Cường, quát vào nhà đun nước (cứ như đón thượng khách!), cuối cùng, vừa xốc nách Chí, vừa thẽ thọt : “Chỉ tại thằng Lý Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy”(!) Mới đầu, ta chỉ bật cười vì sự cáo già ngọt ngào, mềm nắn rắn buông của Bá Kiến. Nhưng nghĩ kỹ hơn, lại thấy Nam Cao thật kín đáo, thâm hậu trong chi tiết này. Chi tiết thấp thoáng thôi, và cũng chỉ là giả thuyết trong bạn đọc.
5. Nghĩ thế nào về nhân vật và tác phẩm "Chí Phèo" là ở bạn đọc. Tôi chỉ xin lưu ý: Đây là một sáng tác nghệ thuật. Và là một sáng tác nghệ thuật kiệt xuất được ra đời trong dòng văn học hiện thực Việt Nam. Trên thế giới đã từng có những vụ án tương tự, ví dụ trong “Anh em nhà Karamazov” của Dostoievski, trong một vài truyện ngắn khác của Maupassant. Cuối cùng, lưu ý thêm với bạn Nguyễn Song Hiền một chi tiết của truyện ngắn mà bạn đã nhầm (độ này có nhiều người tên là Hiền nổi tiếng quá): Chí Phèo và Thị Nở ở với nhau có “năm ngày chẵn” thôi, chứ không phải bảy ngày.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Nói “Chí Phèo” tác động xấu đến nhận thức của học sinh là không chính xác Sau khi anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) đề xuất nên loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ... |
Loại "Chí Phèo" khỏi sách giáo khoa: Chúng ta cần cảm ơn ông Nguyễn Song Hiền? Dư luận chưa nguội vụ đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, lại tiếp tục “nóng” với đề xuất loại bỏ ... |