- VCK U23 Châu Á 2022 sẽ áp dụng công nghệ VAR trong mọi trận đấu
- Sau trận gặp Việt Nam -Thái Lan, AFF bắt tay nghiên cứu sử dụng công nghệ VAR
Vòng đấu thứ 5 V.League 2023-2024 có 2 trận đấu được áp dụng công nghệ VAR hỗ trợ các trọng tài.
Theo thống kê từ ban tổ chức, các trận đấu diễn ra ngày 9/12, chỉ có 1 trong 3 trận đấu áp dụng VAR, là cuộc đối đầu giữa Thép Xanh Nam Định và Câu lạc bộ bóng đá Công an Hà Nội trên sân Thiên Trường.
Công nghệ VAR đã 2 lần hỗ trợ trọng tài Nguyễn Đình Thái để đem đến quyết định chính xác nhất. Lần đầu ở phút 39, bóng bất ngờ được đưa vào lưới đội chủ nhà, nhưng bàn thắng sau đó không được công nhận do VAR xác định cầu thủ này đã phạm lỗi ở tình huống trước đó. Lần thứ 2, cầu thủ Huỳnh Tấn Sinh được VAR xác định phạm lỗi trong vòng cấm ở phút 88 và đội bóng thành Nam đã không bỏ lỡ cơ hội để giữ lại 1 điểm trên sân nhà, trước nhà đương kim vô địch V.League.
Ở tình huống đầu tiên, pha bóng diễn ra nhanh và với kịch bản bất ngờ. Trong khi đó, trọng tài Nguyễn Đình Thái ở vị trí bị che khuất tầm nhìn. Nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ VAR, nhiều khả năng bàn thắng sẽ được công nhận và đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng sẽ phải chịu thiệt. Không quá khi nhận xét rằng VAR đã cứu tổ trọng tài “một bàn thua trông thấy”.
Tình huống thứ 2 diễn ra cũng tương tự về yếu tố cản trở tầm nhìn. Văn Toàn bị phạm lỗi trong thế quay lưng với Trọng tài chính. Ở vị trí quan sát không thuận lợi, Trọng tài sẽ khó xác định chuyện gì đã xảy ra ở pha tranh chấp đó. Đương nhiên, khi không thể xác định đó là một lỗi rõ ràng, trận đấu vẫn được tiếp diễn.
Điểm và thời điểm tiếp xúc bóng của Văn Toàn ở pha tranh chấp với Huỳnh Tấn Sinh cũng tương đối gần với pha va chạm (và gây ra lỗi) của hậu vệ bên phía đội khách. Đó là khoảng thời gian cuối trận và các tình huống, đặc biệt là những pha hãm thành của đội nhà, diễn ra với tốc độ nhanh và liên tục. Khi kiểm tra qua màn hình xem lại, trọng tài Trần Đình Thái được cung cấp góc máy tốt, từ chính diện, nhưng ông cũng phải xem lại nhiều lần để xác định Huỳnh Tấn Sinh có lỗi.
Ở trận đấu cùng giờ giữa Quy Nhơn Bình Định và Đông Á Thanh Hóa, VAR chưa thể góp mặt do điều kiện khách quan khi mới chỉ có 2 xe VAR đạt chuẩn được phép vận hành tại V.League và những người hâm mộ theo dõi trận đấu này đều có thể thấy trọng tài Trần Trung Kiên đã vất vả thế nào để điều hành một trận đấu không có VAR. Người hâm mộ kỳ vọng công nghệ VAR sẽ sớm được “phủ sóng” tại tất cả các trận đấu tại V.League.
Trận đấu còn lại áp dụng công nghệ VAR là cuộc đối đầu giữa Hà Nội FC và Sông Lam Nghệ An. Phút 32, VAR vào cuộc để xác định bóng đã chạm tay Lê Nguyên Hoàng, Hà Nội FC được hưởng 11m. Tuấn Hải đã ghi bàn giúp Hà Nội FC mở ra chiến thắng.
Sự xuất hiện của VAR đang ngày càng giúp cho công tác trọng tài tại V.League đạt hiệu quả hơn. Các trận đấu có VAR cũng không còn bị đặt dấu hỏi về vấn đề chuyên môn. Khi đội ngũ trọng tài được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại, công tác điều hành cũng không còn vất vả và đối mặt với nguy cơ nghề nghiệp luôn tiềm ẩn. Khi yếu tố tâm lý đã được cởi bỏ, chắc chắn chất lượng chuyên môn trong công tác trọng tài của các vị “vua áo đen” sẽ được nâng cao thêm nữa.
Hôm 1/12, Công ty VPF và Ban trọng tài VFF đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác vận hành VAR sau 3 vòng đấu đầu tiên của V.League. Vấn đề được rút ra, ở giai đoạn vận hành ban đầu, vẫn còn một số vấn đề cần phải được cải thiện để có thể phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ VAR, có thể kể đến như: công tác phối hợp giữa đội ngũ kỹ thuật (RO), Trọng tài VAR và AVAR; vị trí các góc máy quay trên sân; cách thức trao đổi giữa Trọng tài VAR và Trọng tài chính…
Thời gian tới, khi V.League bước vào giai đoạn căng thẳng, chắc chắn công nghệ VAR sẽ còn đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ các trọng tài ở các trận đấu quan trọng.
Đề nghị xử lý nghiêm CĐV gây rối trận Bình Định – Thanh Hoá
Công ty VPF và Ban tổ chức V.League sẽ tổng hợp tư liệu, hình ảnh để gửi đến Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhằm kịp thời xử lý nghiêm cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc hỗn loạn trên sân vận động Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Minh Ngọc - Trưởng Ban tổ chức các giải Bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia 2023-2024 cho biết: "Sau khi theo dõi diễn biến trận đấu và tiếp nhận các báo cáo chi tiết từ giám sát trận đấu, chúng tôi đánh giá những sự cố xảy ra trong và sau trận đấu tại sân Quy Nhơn là những hành vi không đúng chuẩn mực, đi ngược lại tinh thần thể thao, gây nguy cơ mất an ninh, an toàn cho các thành viên tham dự giải.
Ngay sau trận đấu, Ban tổ chức giải đã tổng hợp các tư liệu và sẽ gửi hồ sơ chi tiết sang Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đề nghị có những án phạt nghiêm khắc tới từng cá nhân, tập thể để xảy ra hình ảnh xấu xí này".
Ngày 11/12, các hồ sơ về những vụ việc nổi cộm sau vòng 5 Night Wolf V.League 2023-2024 sẽ được chuyển sang Ban Kỷ luật. Sau khi nhận hồ sơ, Ban kỷ luật VFF sẽ họp và ra quyết định kỷ luật trước khi vòng đấu tiếp theo diễn ra, chắc chắn sẽ có những án phạt nghiêm khắc được đưa ra.
Theo khoản 1, Điều 67, Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: “Câu lạc bộ tổ chức trận đấu bị phạt từ 15 đến 70 triệu đồng nếu xảy ra tình trạng làm mất an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị tổ chức giải”.
Câu lạc bộ Bình Định sẽ đối diện với án phạt tiền, thi đấu trên sân nhà không có khán giả hoặc thi đấu trên sân trung lập nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
H.H
https://cand.com.vn/the-thao/var-da-ho-tro-trong-tai-o-v-league-ra-sao--i716703/