Vanuatu ngày 10-4 đã lên tiếng phủ nhận thông tin nước này đang đàm phán với Bắc Kinh về việc xây dựng căn cứ quân sự Trung Quốc tại quốc gia ở Nam Thái Bình Dương này.
Trước đó, Công ty truyền thông Fairfax Media (Úc) khẳng định Trung Quốc muốn xây dựng một căn cứ quân sự tại Vanuatu – quốc gia nằm cách Úc chưa đầy 2.000 km. Theođó, các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc và Vanuatu đang diễn ra trong giai đoạn đầu. Thông tin nói trên đã làm dấy lên sự lo ngại về sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Vanuatu Ralph Regenvanu quả quyết thông tin của Fairfax Media là giả tạo.
Một khu nghỉ dưỡng ở Vanuatu. Ảnh: HM.com.au
Trung Quốc hiện chỉ có một căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài – đó là tại Djibouti thuộc châu Phi. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương - trang tin ABC News (Úc) khẳng định.
Viện nghiên cứu Lowy xác nhận Trung Quốc đã đóng góp hơn 2,3 tỉ USD vào vào hoạt động viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương từ năm 2006.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop trong một tuyên bố hôm 10-4 khẳng định bà không biết thông tin Trung Quốc đang gửi một lời đề nghị về quân sự đến Vanuatu.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop. Ảnh: Reuters
"Chính phủ Vanuatu đã khẳng định rằng không có lời đề nghị nào như vậy" – bà Bishop tuyên bố. Tuy nhiên, bà Bishop cho rằng việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Thái Bình Dương là một thực tế.
Đại sứ Vanuatu ở Canberra (Úc), ông Kalfau Kaloris, cũng thừa nhận Bộ Ngoại giao Vanuatu "không nắm được thông tin về lời đề nghị nào như vậy".
Trong khi đó, nghị sĩ đảng Tự do Andrew Hastie nhấn mạnh rằng Úc cần phải tỉnh táo.
"Chúng ta đã dại dột cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê Cảng Darwin chiến lược… Bây giờ lại có thông tin Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một căn cứ quân sự ở Vanuatu… Đã đến lúc phải mở mắt ra và bắt đầu chú tâm đến các quốc gia nằm cạnh chúng ta" – ông Hastie khẳng định.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cực lực phản đối mọi hành động quân sự hóa trên Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Ngay sau khi thông tin nói trên được Fairfax Media chia sẻ, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng tuyên bố rằng chính phủ của bà phản đối mạnh mẽ hành động quân sự hóa trên Thái Bình Dương.
"Chúng tôi theo dõi mọi hành động trên Thái Bình Dương và New Zealand phản đối việc quân sự hóa trên Thái Bình Dương" – bà Ardern tuyên bố trước các phóng viên ở thủ đô Wellington vào sáng 9-4.
Cao Lực (Theo ABC News, SMH)
Vì sao những mỹ nhân đẹp nhờ dao kéo bị hắt hủi ở Trung Quốc?
Làm đẹp là một xu thế chung của ngành giải trí châu Á. Nhưng tại Trung Quốc, việc phẫu thuật thẩm mỹ đang là rào ... |
Trung Quốc bị tố cáo lắp trái phép máy nhiễu sóng ở Trường Sa
Trung Quốc bị tố lắp thiết bị gây nhiễu liên lạc tại hai đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp ở quần đảo ... |
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ vì rạn nứt thương mại
Trung Quốc cho rằng Mỹ là bên chịu trách nhiệm về rạn nứt thương mại và trong điều kiện hiện nay, thương lượng là điều ... |