Vẫn những cái khó cũ

Đội tuyển bắn súng Việt Nam vừa tham dự Giải vô địch bắn súng thế giới ở Ai Cập và không thể tạo nên đột biến. Một trong những lý do liên quan đến những vấn đề cũ là thiếu đạn chuẩn tập luyện và ít tập huấn, thi đấu quốc tế. Cái khó cũ đang ảnh hưởng đến cơ hội đạt được những thành công mới là điều thấy rõ lúc này

Khi trang thiết bị còn thua thiệt

Những câu chuyện được kể lại sau Giải vô địch bắn súng thế giới vừa qua đã cho thấy trang thiết bị hiện đại hay việc được đáp ứng tối đa nguồn đạn tập luyện thực sự quan trọng thế nào. Bắn súng Việt Nam đã đưa đến Giải vô địch bắn súng thế giới 2022 những xạ thủ tốt nhất, giàu triển vọng giành vé tham dự Olympic 2024 (Paris, Pháp) như Hà Minh Thành, Phí Thanh Thảo, Trịnh Thu Vinh, Phan Xuân Chuyên, Phạm Quang Huy. Tất nhiên, ở sân chơi giàu tính cạnh tranh như Giải vô địch thế giới, các xạ thủ Việt Nam đã không thể tạo bất ngờ, để có thể sớm giành vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024.

xạ thủ phí thanh thảo.jpg -0
Những xạ thủ trẻ, có tài như Phí Thanh Thảo cần được đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị, tập huấn, thi đấu quốc tế.

Việc ít tập huấn, thi đấu quốc tế cũng được chỉ ra, trong đó, từ tháng 5-2022 (thời điểm diễn ra SEA Games 31 tại Việt Nam), các xạ thủ Việt Nam không thi đấu thêm giải quốc tế nào cho đến khi dự Giải vô địch thế giới 2022. Chỉ tập huấn trong nước với số lượng đạn tập hạn chế trong khi không có điều kiện dự hàng loạt giải quốc tế, diễn ra liên tục trên thế giới, rõ ràng không thể mang đến cho các xạ thủ trạng thái thi đấu tốt nhất. Đến khi dự Giải vô địch thế giới vừa qua, điều này càng thể hiện rõ.

Thế mới có câu chuyện ở giải đấu, sau khi HLV của đội tuyển bắn súng Hàn Quốc tặng một ít đạn của hãng Lapua, các xạ thủ Việt Nam đã thực sự hưng phấn khi tập bắn với loại đạn này. Đây là loại đạn mà các tuyển thủ không thể có khi tập huấn trong nước. Hay câu chuyện của xạ thủ súng ngắn Phan Xuân Chuyên không thể vượt qua bài bắn vòng loại một phần do 2 viên không nổ. Đáng lưu ý, đến khi trọng tài kiểm tra trực tiếp súng của Phan Xuân Chuyên và bóp cò thì 2 viên kia lại nổ. Nguyên nhân được lý giải là do súng thi đấu. Ngay như ở giải này, có xạ thủ Việt Nam còn có tuổi đời ít hơn cả tuổi của khẩu súng thi đấu mà xạ thủ đó vẫn sử dụng tập luyện, thi đấu.

Thua thiệt về trang thiết bị, về điều kiện tập huấn và thi đấu quốc tế vốn là cái khó lâu nay của bắn súng Việt Nam. Có điều, mỗi khi đến đấu trường quốc tế, cái khó lại khiến các xạ thủ luôn đối mặt với những chuyện không đáng có. Trong khi đó, người trong nghề đề khẳng định nếu được trang bị súng tốt, hiện đại, được tập luyện với đạn đạt tiêu chuẩn quốc tế thường xuyên và được tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục thì thành tích của bắn súng Việt Nam ở các đấu trường quốc tế sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều. Và đương nhiên, sẽ đỡ tủi thân vì trang thiết bị, dụng cụ vừa cũ, vừa thiếu của mình.

Không thể đứng một chỗ

Tất nhiên, môn bắn súng có những đặc thù, nhất là trong quản lý súng và đạn. Đây là trang thiết bị đặc thù, trong danh mục vũ khí được nhà nước quản lý chặt chẽ. Việc mua sắm, trang bị với nguồn đạn từ nước ngoài cũng không dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều thời gian với nhiều khâu kiểm định. Người làm chuyên môn bắn súng, trong đó có các HLV đội tuyển quốc gia cũng như các địa phương đều hiểu, chia sẻ câu chuyện này. Họ cũng chỉ biết bày tỏ mong muốn các khâu trong việc nhập đạn tập về nước được thực hiện suôn sẻ, nhất là khi không quá thiếu kinh phí cho việc này.

Để từng bước giải quyết vấn đề này, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam từng đề cập đến việc phối hợp với đơn vị sản xuất có chức năng để chế tạo đạn tập cho môn bắn súng. Nếu thành công, có thể giúp các đội tuyển từ quốc gia đến địa phương không phải liên tục tập chay (tập không có đạn) hoặc dè sẻn đạn tập so với yêu cầu chung về chuyên môn trong mỗi buổi tập. Tuy nhiên, để sản xuất được đạn đáp ứng được quy chuẩn chung với súng thể thao lại là vấn đề không đơn giản. Và đương nhiên là cần nhiều thời gian để thực hiện mục tiêu này.

Trong khi đó, với nguồn kinh phí của mình, các đội tuyển quốc gia, địa phương cũng sẽ phải tính đến việc tập huấn quốc tế sau khi những hạn chế đi lại do dịch COVID-19 trên thế giới đã được nới lỏng. Ngay như thể thao Hà Nội cũng đang xúc tiến để các xạ thủ của mình đi tập huấn tại Hàn Quốc. Đoàn cán bộ của thể thao Hà Nội đang khảo sát các địa điểm tập huấn tại Hàn Quốc chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 cũng như các mục tiêu dài hạn khác kể rằng thực sự ấn tượng với điều kiện cơ sở vật chất ở đây. Tất nhiên, ngoài điều kiện cơ sở vật chất còn là việc các xạ thủ sẽ được trang bị đủ đạn tập tại địa điểm tập huấn. Còn đội tuyển quốc gia cũng chọn Hàn Quốc để rèn quân cho mục tiêu giành vé dự Olympic 2024.

Và ai cũng hiểu, “tiền nào của ấy”, chi phí đi tập huấn ở những địa điểm như Hàn Quốc hay một số quốc gia khác cũng sẽ rất tốn kém dù được dự báo là sẽ mang đến nhiều cơ hội thành công cho các xạ thủ tham gia tập huấn tại đây. Nhưng như thế sẽ còn hơn việc tập luyện mà thiếu đạn dù kinh phí mua đạn vẫn còn đó.

Rõ ràng, muốn thực hiện các mục tiêu như giành vé dự Olympic 2024 hay các mục tiêu khác thì cần đến sự vận động không ngừng của các đơn vị liên quan để VĐV có đạn tập luyện, được đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Như thế còn hơn thụ động chờ những cái khó muôn thuở được giải quyết.

Đầu tư kiểu trọng điểm

Năm 2012, đội tuyển bắn súng Việt Nam từng được mua khẩu súng Morini CM 162 EI (Thụy Sĩ), khi đó có giá 50 triệu đồng, để VĐV Hoàng Xuân Vinh sử dụng tại Olympic London. Đso là cả sự kiện lớn lúc bấy giờ với bắn súng Việt Nam cho một VĐV.

https://cand.com.vn/the-thao/van-nhung-cai-kho-cu-i672263/

Minh Hà / cand.com.vn