Nhiều năm mất mùa, chưa biết bám víu vào đâu để kỳ vọng văn chương Việt có thành tựu mới?
Đầu năm mới là khoảng thời gian dành để trao giải thưởng văn học của năm cũ, vinh danh những gương mặt và những sáng tác nổi trội. Trong Ngày Thơ Việt nhân dịp Nguyên tiêu, cũng là khoảng thời gian để các nhà văn, nhà thơ khai bút chuẩn bị cho ra đời những đứa con tinh thần mới mẻ, với nguồn năng lượng dồi dào. Thế nhưng hỏi ai cũng thở dài, chẳng thể kỳ vọng gì ở thời buổi văn chương thất bát.
Mất mùa, ảm đạm
Đầu năm 2018, làng văn Việt chứng kiến sự thiếu về lượng và yếu về chất của các cuộc trao giải văn chương. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm qua thể hiện tính chất "ban phát" đến mức tác giả từ chối nhận giải; giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM thì có cả tác phẩm "vay mượn", có tác phẩm không phiếu và rất ít phiếu vẫn vào chung khảo. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, như nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thừa nhận là rất đáng buồn về chất lượng trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2017 vừa qua cũng có thể coi là "mất mùa" văn chương Việt khi không tìm được tác phẩm nào đủ tầm để trao những giải cao nhất cho cả 2 hạng mục văn xuôi và thơ ở giải thưởng này.
Ngày Thơ Việt Nam diễn ra huyên náo về hình thức nhưng chất lượng thì thật khó nói Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Trao giải thưởng là một cách để xác định, tôn vinh những cây bút có nội lực, để công chúng và các nhà chuyên môn tìm ra những gương mặt xứng đáng đặt kỳ vọng. Tuy nhiên, trao đổi với nhà văn Nguyễn Khắc Trường, thành viên Ban Phản biện Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, ông bức xúc nói: "Tác phẩm yếu lắm, không thể nào mang trao giải được. Đã trao giải thì phải xứng đáng, không thể nào xuê xoa, dễ dãi, nể nang, cũng không có tính chất động viên hoặc phân bổ theo khu vực, vùng miền gì hết. Văn xuôi không có cuốn nào nặng ký, thơ còn yếu hơn, vào chung khảo mà đọc cả tập thơ không biết họ viết cái gì, không hiểu gì cả".
Nghề văn khắc nghiệt ở chỗ không ai nuôi nhà văn cứ thế ngồi viết, nên chuyện mưu sinh với việc nuôi dưỡng sáng tạo luôn là cán cân khó có thể cân bằng. Đã thế, sách bán chạy không đồng nghĩa khẳng định sách chất lượng cao, cũng không hẳn có thể nuôi sống nhà văn thoát khỏi sự ràng buộc đến lao lực từ các công việc khác để kiếm sống.
Cóp nhặt, vay mượn
"Lớp trẻ bây giờ được đào tạo, có trình độ nhưng không có vốn sống, không có cảm xúc thật. Vốn sống ít quá nên cứ vay mượn, cóp nhặt chỗ này chỗ kia, cả trong và ngoài nước, thấy người ta làm tốt, mình lại "nhặt" ngay bỏ vào nhận là của mình, nên tác phẩm nhạt nhẽo, khó đọc lắm, đặc biệt là văn xuôi. Tính tôi thẳng thắn nên gặp những tác phẩm như thế, tôi thường chỉ cho tác giả rằng tôi biết họ "cóp nhặt" chỗ này ở đâu, của tác giả trong nước hay nước ngoài. Tôi nói thẳng rằng tốt nhất là đừng công bố chứ đọc thế này người ta cười cho" - tác giả của tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" bày tỏ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường tha thiết kêu gọi: "Hãy viết chậm lại đi! Viết ào ào, in năm bảy cuốn sách cũng chưa thành tác giả. Thế thì ra thêm những cuốn sách vô ích làm gì. Người đọc bây giờ tinh lắm, không lừa được họ đâu".
Tìm kiếm các cây bút trẻ để bồi dưỡng và đặt kỳ vọng cũng là một cách ứng xử thông thường với nhân tài mà nhiều nước đã áp dụng thành công. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng nhấn mạnh vấn đề sống còn của hội hiện nay là chất lượng, được phản ánh cụ thể bằng tác phẩm, bằng sự nghiệp văn học. Chất lượng không chỉ ở việc xét giải thưởng mà còn trong việc kết nạp hội viên. "Chúng ta không tham số lượng, bởi vì với một đất nước 100 triệu dân mà 1.000 nhà văn thì không phải ít nữa rồi" - nhà thơ Hữu Thỉnh nói. Nhưng điều quan trọng hơn là sau khi kết nạp, hoạt động hội sẽ đưa họ... đi về đâu?
Chờ đợi lứa 40
"Văn học đi theo kiểu chậm chạp, rề rà, không thể có các tác giả trẻ mà nổi bật hẳn lên được. Tác giả phải có cuộc đời trước rồi mới có tác phẩm. Tôi vẫn đặt hy vọng vào những tác giả ở lứa tuổi 40, dù không tiện nhắc tên, họ là những người đương thời, đang làm việc và có tác phẩm. Hy vọng họ với điều kiện tốt hơn chúng tôi rất nhiều sẽ cố gắng trau dồi kiến thức và đạo đức nghề nghiệp để có được tác phẩm mới tốt hơn" - nhà văn Nguyễn Khắc Trường nói.
"Theo quy luật tự nhiên, cả thế giới đang thay đổi, nếu mình không thay đổi sẽ bị quy luật tự nhiên nghiến nát, nên chắc chắn văn học Việt sẽ phải thay đổi. Có những nhà văn đã âm thầm thay đổi, thông minh đón đầu nên chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Tôi vẫn luôn tin rằng với bản tính thông minh của người Việt, chắc chắn văn học Việt sẽ cách tân theo hướng nêu cao chủ nghĩa nhân đạo, đến gần với con người và thương yêu con người hơn" - nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ.
Ngày Thơ sẽ chuyển thành Ngày Văn học
"Mùa màng" văn chương xưa nay ít bội thu, nhiều thất bát. Mặc dù hằng năm, cứ mỗi dịp Nguyên tiêu là không khí văn chương lại rộn rã lên một chút nhưng thử hỏi trong Ngày Thơ Việt Nam có những tác phẩm nổi bật nào được ra mắt, giới thiệu, đến với công chúng hằng năm? Ngày thơ diễn ra huyên náo ở Văn Miếu về hình thức nhưng chất lượng thì thật khó nói.
"Ngày Thơ Việt Nam 2018 sẽ diễn ra trong vòng một tuần với rất nhiều thay đổi. Sự kiện đầu tiên sẽ bắt đầu ngày 27-2 và kết thúc là Ngày Thơ rằm tháng giêng (2-3) được cử hành ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là bước chạy đà cuối cùng để đưa Ngày Thơ Việt Nam trở thành Ngày Văn học Việt Nam" - nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thông tin.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết chi tiết hơn: "Năm nay đã bước qua 15 năm của Ngày Thơ Việt, chúng tôi đã cấy được một ngày hội của văn chương vào nhận thức của người dân Việt. Bắt đầu từ năm nay, sẽ mở ra thêm một hướng mới là Ngày hội Văn chương Việt. Trước đây là một hoạt động có tính phổ cập theo chiều rộng, bây giờ sẽ có thêm những hội thảo mang tính chất hàn lâm, với sự có mặt của các nhà chuyên môn. Ngày 27-2 là hội thảo về những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay còn hội thảo những cách tân của tiểu thuyết sẽ diễn ra ngày 28-2.
Ngày thơ Việt Nam 2018 có thêm các hội thảo về văn chương
Hai buổi hội thảo tổ chức trước thềm Ngày thơ Việt Nam cho thấy những nỗ lực của Hội Nhà văn trong việc khuyến khích ... |
Hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt
Nguyễn Phong Việt đã lập "kỷ lục" về số lượng thơ bán ra, hơn 120.000 bản in chỉ… 6 tác phẩm, trở thành hiện tượng ... |