Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu phòng chống tai nạn trẻ em

Sau vụ việc bé gái rơi từ tầng 12 đang xôn xao dư luận, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có công văn chỉ đạo kiểm tra các chung cư, nhà cao tầng bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng ngừa tai nạn, thương tích do rơi ngã.

Công văn số 533/UBQGVTE-VP về tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà- Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em - ký nêu rõ:

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng dẫn đến tai nạn, thương tích nghiêm trọng và tử vong.

Trước tình hình trên, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) - cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em - yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.

5515 lancanchungcu010321

Công văn nhấn mạnh việc rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.

Ngoài ra, các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em.

Tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Trước đó, vào khoảng 17h30 ngày 28.2, bé N.P.H (SN 2018) ở tầng 12A của tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở tầng 12A.

Lúc này một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán. Nhiều người không khỏi sợ hãi khi chứng kiến sự việc và lo lắng cho tính mạng của cháu bé. Toàn bộ sự việc đã được camera ghi lại.

Một nam giới đang đứng gần đó phát hiện sự việc nên đã trèo lên mái che của sảnh và đỡ được bé gái khi bé H. rơi xuống đất. Rất may mắn, cháu bé chỉ bị thương tích.

Ngay khi sự việc xảy ra, người dân và gia đình đã đưa bé gái đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

PV (th)

Phong tỏa Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Phong tỏa Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng
Cạm bẫy rình rập trẻ em trên môi trường mạng Cạm bẫy rình rập trẻ em trên môi trường mạng
10 quy tắc bắt buộc dạy trẻ càng sớm càng tốt 10 quy tắc bắt buộc dạy trẻ càng sớm càng tốt
/ Nghề nghiệp và cuộc sống