Giá USD được các ngân hàng nâng thêm vài chục đồng, lên mức kỷ lục mới và nếu so với đầu năm, mỗi USD hiện tăng gần 2,6% giá trị.
Tỷ giá trung tâm ngày 31/7 của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được điều chỉnh 10 đồng so với hôm qua, lên 22.669 đồng mỗi USD. Sau nhiều ngày liên tục điều chỉnh, tỷ giá trung tâm đã tăng 20 đồng so với cuối tuần trước.
Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần - sàn mà các ngân hàng được áp dụng trong khoảng 23.349 - 21.989 đồng.
Song hành cùng sự đi lên của tỷ giá trung tâm, trên bảng niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại, giá USD sau nhiều lần điều chỉnh cũng đắt thêm 10 - 20 đồng so với hôm qua.
Theo đó, lúc 11h20, Ngân hàng Á Châu (ACB) đã có 14 lần thay đổi và yết tỷ giá USD ở mức 23.250 đồng ở chiều mua vào và 23.330 đồng ở chiều bán ra, tăng 20 đồng ở cả hai chiều so với sáng qua.
Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại TP HCM. Ảnh: Anh Tú.
Tại Vietcombank, niêm yết tỷ giá ở ngưỡng 23.245 - 23.325 đồng mỗi USD, tăng 25 đồng so với sáng qua và gần 50 đồng ở cả hai chiều so với cuối tuần trước. Biểu tỷ giá của Sacombank cũng được điều chỉnh 2 lần vào sáng nay với mức mới nhất là 23.240 đồng ở chiều mua vào và 23.340 đồng ở chiều bán ra, tăng 10 đồng.
OCB là một trong những ngân hàng có tỷ giá mua bán USD cao nhất ngày hôm qua; sáng nay cũng đã điều chỉnh tăng nhẹ 10 đồng. Cụ thể, mỗi USD mua vào được ngân hàng công bố quanh 23.320 đồng, còn bán ra lên đỉnh mới 23.345 đồng.
Sáng nay, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục tăng 10 đồng lên 23.299 đồng, sau khi đã điều chỉnh tăng 11 đồng vào hôm qua.
Trong khi đó, giá USD ngoài thị trường tự do sáng nay có phần chững lại. Lúc 11h30, một số điểm bán ngoại tệ tại TP HCM có giá mua bán dao động 23.410 - 23.470 đồng, không thay đổi so với hôm qua.
Trước diễn biến trên, lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở phía Nam nhìn nhận, sự tăng giá của đồng USD do bị tác động bởi nhiều thông tin trong và ngoài nước.
Thứ nhất là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) phá giá mạnh trong suốt hai tháng qua dưới tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Việc CNY phá giá gây áp lực lớn đến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam vì quan hệ thương mại hai chiều rất lớn, đồng thời Việt Nam cũng cần giữ lợi thế về xuất khẩu với Trung Quốc. Bên cạnh đó, không chỉ Trung Quốc mà các nước khác như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore,... cũng đều giảm giá đồng nội tệ mạnh trong một tháng qua.
Bên cạnh đó là tỷ giá liên ngân hàng và tại sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng. Ngoài ra, theo ông thì việc xuất hiện nhiều dòng thanh toán ngoại tệ cũng như cán cân thương mại đang nhập siêu gần 900 triệu USD trong nửa đầu tháng 7 cũng gây áp lực lên tỷ giá.
Mặc dù thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã bán USD can thiệp thị trường (ước hơn 2 tỷ USD) nhưng hiện tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Theo ông, nếu CNY tiếp tục phá giá nhanh và mạnh trong khi Việt Nam duy trì nhập siêu trong tháng 7 thì tỷ giá vẫn tiếp tục chịu áp lực mạnh và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán USD can thiệp.
Lệ Chi
Giá USD trong ngân hàng hạ nhiệt, ở chợ đen vẫn trên mốc 23.400 đồng
Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã “hạ nhiệt” so với hôm qua, trên thị trường tự do giá bán ra ... |
Giá USD liên tục phá đỉnh, hệ quả của việc \'nén\' quá lâu?
Trong khi tỷ giá USD liên tục tăng cao, cả chuyên gia và cơ quan quản lý đều khẳng định mức tăng này là phù ... |
Giá USD tự do vượt ngưỡng kỷ lục 23.300 đồng
Những ngày cuối tuần chứng kiến biến động mạnh tỷ giá VNĐ/USD ngoài thị trường tự do khi tăng hơn 100 đồng/USD vượt ngưỡng 23.300 ... |