Theo truyền thống từ trước đến nay, Sinh học vốn được coi là môn chủ đạo để xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe. Thế nhưng, năm nay, một số trường đại học (ĐH) đào tạo nhóm ngành này đã đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này là bất thường và khó đảm bảo mục tiêu chất lượng.
Nhiều trưởng mở rộng tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh
Theo công bố mới đây của Trường Đại học Y Dược Thái Bình, bên cạnh những tổ hợp truyền thống trước đây, năm 2022, nhà trường còn xét tuyển tổ hợp Toán-Hóa- Anh; Toán-Lý-Hóa và Toán- Lý- Anh. Điều đáng nói đây là lần đầu tiên ngành Y khoa cũng như các ngành đào tạo khác của Trường Đại học Y Dược Thái Bình xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh.
Cụ thể các tổ hợp mới được trường sử dụng là D07 (Toán, Hóa, Anh) ở ngành Y Khoa; A00 (Toán, Lý, Hóa) ở ngành Dược học và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học; A01 (Toán, Lý, Anh) ở ngành Dược học; và B08 (Toán, Sinh, Anh) ở ngành Y Khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng. Cũng trong năm nay, nhiều ngành của Trường Đại học Y tế Công cộng dự kiến sẽ xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh học. Cụ thể, ngành Y tế công cộng của trường xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh); Ngành Dinh dưỡng xét tuyển tổ hợp D01, D07; Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng xét tuyển tổ hợp A00, D01, A01; Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển thí sinh tổ hợp A01 và D07.
Ngành Dược học của Khoa Y (Đại học Đà Nẵng) cũng dự kiến tuyển sinh tổ hợp A00 và D07 - hai tổ hợp không có môn Sinh học trong năm 2022. Tương tự, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng cũng mở rộng xét tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) cho ngành Y bên cạnh tổ hợp Toán-Hóa -Sinh truyền thống. Trước đó, từ năm 2021, Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) cũng đã xét tuyển các tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh) và D08 (Toán, Sinh, Anh) đối với các ngành đào tạo của trường, trong đó có ngành Y khoa. Trong các tổ hợp này, đáng chú ý tổ hợp D07 không có môn Sinh học.
Ở khối các trường đại học ngoài công lập, một số trường có tuyển sinh ngành Y cũng mở rộng tổ hợp xét tuyển, trong đó có nhiều tổ hợp không có môn Sinh học. Đơn cử như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ xét tuyển tổ hợp A00 (Toán-Lý-Hoá); Trường Đại học Nam Cần Thơ xét tuyển khối D07; Trường Đại học Hồng Bàng xét tuyển khối A00, D07; Trường Đại học Duy Tân xét tuyển khối A00. Trường Đại học Phinekaa cũng tuyển 4 tổ hợp cho ngành Y khoa, trong đó có 2 tổ hợp không có môn Sinh học là Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Tiếng Anh.
Lý giải về lựa chọn mở rộng tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành Y khoa theo hướng không có môn Sinh, PGS.TS Ngô Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, sở dĩ nhà trường quyết định sử dụng thêm hai tổ hợp chứa môn Tiếng Anh vì nhận thấy tầm quan trọng của Tiếng Anh trong lĩnh vực Y Dược, cũng như nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu của xã hội. Ngoài việc đưa vào các tổ hợp có môn Tiếng Anh, nhà trường cũng ưu tiên cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL.
Cũng theo ông Bình, chương trình học ngành Y hiện đã đổi mới, không còn môn Sinh học ở bậc đại học mà thành module kết hợp. Tại Đại học Y Dược Thái Bình, module này được gọi là Khoa học cơ bản. Do vậy, việc mở rộng một vài tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng sẽ “rộng cửa” hơn cho các thí sinh có năng lực ngoại ngữ yêu thích ngành Y.
Khó đảm bảo mục tiêu chất lượng
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy Sinh tại hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) cho rằng, môn Sinh là cần thiết với ngành Y. Theo thầy Hiền, qua quan sát dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây cho thấy, tổ hợp mà học sinh chọn để xét tuyển đại học là môn các em thích và làm bài tốt nhất. Do đó, nếu không chọn tổ hợp có môn Sinh để thi, nhiều khả năng các em không thích hoặc không học tốt môn này. Học Y khoa không phải trong 4 năm như các ngành khác mà kéo dài 6 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nếu không có sẵn nền tảng Sinh học từ bậc THPT hoặc chí ít là niềm đam mê với môn này, sinh viên sẽ rất chật vật ở bậc đại học.
Đối với việc các trường bổ sung các khối thi khác ngoài B truyền thống không thực sự nâng cao chất lượng ngành Y, có chăng đó là bài toán cạnh tranh tuyển sinh. “Về lâu dài, ngành Y cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong tuyển sinh chứ không phải thay môn này bằng môn kia. Với sự phát triển của xã hội nói chung, y tế nói riêng hiện nay, tuyển sinh chỉ bằng 3 môn văn hoá là rất lỗi thời. Ngành Y không chỉ cần những người rất giỏi mà cần phù hợp. Ngành Y sinh ra không phải để đào tạo đại trà. Khi bạn chọn theo Y nghĩa là bạn sẵn sàng cho một sự "hi sinh" lâu dài”- thầy Hiền chia sẻ.
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, tuyển sinh ngành bác sĩ y khoa cần thiết phải có môn Sinh học, bởi lẽ nếu sinh viên không có kiến thức nền tảng sinh học ở bậc phổ thông thì quá trình học y sẽ gặp những khó khăn nhất định. Cũng theo GS.TS Trần Diệp Tuấn, trong xu hướng hội nhập hiện nay, Tiếng Anh quan trọng đối với tất cả các ngành nghề nên các trường có thể chú trọng thêm môn Tiếng Anh, bổ sung vào các tổ hợp truyền thống. Tuy vậy, không nên thay thế môn Sinh học bằng môn Tiếng Anh vì không phải học sinh cứ giỏi ngoại ngữ là sẽ học ngành Y giỏi. Thực tế cho thấy, ở các nước, để thi vào Y khoa, học sinh phải theo học tổ hợp mà trong đó bắt buộc phải có môn Sinh học. Điều này cho thấy, dù có nhấn mạnh vai trò của ngoại ngữ cũng không nên loại bỏ môn Sinh trong quá trình tuyển sinh Y khoa.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam cho rằng: Mặc dù luật giáo dục đại học cho phép các trường được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh, được mở rộng các khối xét tuyển, tuy nhiên, việc tuyển sinh vào ngành Y mà không có môn Sinh học là bất thường, khó chấp nhận vì đây là môn học nền tảng, căn bản, mang tính định hướng nghề nghiệp. Điều này cũng giống như tuyển sinh vào các ngành khoa học chính xác mà không có môn Toán, tuyển sinh vào nhóm ngành Khoa học xã hội Nhân văn mà thiếu môn Văn.
“Trước mắt, việc mở rộng khối xét tuyển vào ngành Y không có môn Sinh sẽ thuận lợi cho các trường trong việc đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh nhưng về lâu dài sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người học. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế kiểm tra, giám sát các trường trong việc mở ngành mới, mở rộng các tổ hợp xét tuyển theo hướng gắn tự chủ với trách nhiệm giải trình, gắn tự chủ với trách nhiệm xã hội. Nếu không làm được điều này tức là cơ quan quản lý nhà nước không làm tròn trách nhiệm với người học và xã hội”-TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Huyền Thanh
Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có tạo ra bất bình đẳng? |
"Nở rộ" ngành học mới: Nhiều trường mở ngành nhưng không có người học |