Tuyển sinh 2023: Nhiều đại học tăng mạnh chỉ tiêu, cao nhất gần gấp đôi năm 2022

Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó có nơi tăng cao nhất hơn 3.000 chi tiêu so với năm trước.

Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển 5.800 sinh viên cho 31 ngành đào tạo tại hai cơ sở (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2022). Trong đó, trụ sở chính Hà Nội tuyển 4.300 sinh viên, phân hiệu TP.HCM tuyển 1.500.

Trường tuyển bằng bốn phương thức: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển thẳng với thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, xét học bạ ba năm THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS , xét kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuyển sinh 2023: Nhiều đại học tăng mạnh chỉ tiêu, cao nhất gần gấp đôi năm 2022 - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Trường Đại học Ngoại Thương dự kiến tuyển 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc, tăng 110 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Trường giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Điểm khác biệt đó là nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội.

Đại học Phenikaa tuyển sinh 7.668 chỉ tiêu cho 41 ngành/chương trình đào tạo với 3 phương thức xét tuyển (tăng hơn 3.000 chỉ tiêu), thêm 5 ngành đào tạo mới. Cụ thể là các ngành: Kỹ thuật phần mềm (một số môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh), Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng (một số môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh), Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp và Răng - Hàm - Mặt.

Với ngành Răng - Hàm - Mặt, học phí trung bình là 150 triệu/năm. Riêng với sinh viên nhập học năm 2023 sẽ được giảm 50% học phí năm đầu tiên. 

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành/chương trình đào tạo ở mùa tuyển sinh 2023, tăng 380 chỉ tiêu so với năm ngoái. 

Trong đó, các ngành/chương trình đào tạo dự kiến mở mới gồm: Năng lượng tái tạo; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Ngôn ngữ học. Nhà trường giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm bốn ngành, chỉ tiêu tăng từ 3.820 lên 4.280.

Năm nay, trường có bốn ngành mới gồm: ngành Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao).

Bốn phương thức tuyển sinh được giữ ổn định, nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Còn lại, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ GD&ĐT. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.

Trường Đại học Thuỷ lợi dự kiến tuyển sinh tổng 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Trường mở thêm 2 ngành dự kiến là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM có tổng chỉ tiêu dự kiến là 6.610, tăng 1.310 chỉ tiêu so với năm 2022.

Trường dự kiến thực hiện đồng thời 4 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Đại học Quốc gia TP.HCM cho tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tuyển sinh 5 chương trình mới gắn liền với kỷ nguyên số gồm: Công nghệ tài chính, Công nghệ Marketing, Kinh doanh số, Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ sư Công nghệ Logistic. Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh 1 chương trình song bằng mới về Kinh tế chính trị - Luật và quản trị địa phương.

Tổng chỉ tiêu năm 2023 là 7.650 chỉ tiêu tại cơ sở TP.HCM và 600 chỉ tiêu tại Phân hiệu Vĩnh Long, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm ngoái.

 https://vtc.vn/tuyen-sinh-2023-nhieu-dai-hoc-tang-manh-chi-tieu-cao-nhat-gan-gap-doi-nam-2022-ar742282.html

Hà Cường / VTC News