Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn lớn của văn đàn Việt Nam sau 1975, người mở đường cho văn học đổi mới, đã chọn Ngày thế giới hạnh phúc để ra đi, cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chọn ngày nói dối 1/4 để trở về với cát bụi. Cuộc trở về của ông ở thế giới bên kia có lẽ sẽ xóa nhòa mọi ưu phiền, mệt mỏi của một hành trình dài, ông đã "rút ruột nhả tơ" cho đời những áng văn, với một tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo.
Trong một bài trả lời phỏng vấn nhà báo Dương Phương Vinh, Nguyễn Huy Thiệp lúc đó cho biết, khi ông mới bước vào văn đàn Thủ đô, ông là một ông giáo chân ướt chân ráo ở Tây Bắc vừa “xuống núi”. Ông mặc cảm và dè dặt với giới viết văn. Một cách lặng lẽ và vô danh, ông xem xét tiểu sử và tóm tắt tác phẩm của tất cả những nhà văn đương thời, tìm cách tiếp xúc trực tiếp với nhiều người. Nguyễn Huy Thiệp thú thực, ông đã “nghiên cứu” về họ và nhận ra một điều: Tất cả họ đều thiếu một nhiệt tình mãnh liệt với văn chương, một “tư cách” tử tế với văn chương, điều mà ông và các bạn trẻ sau này hơn hẳn họ.
Thế rồi, dù xuất hiện khá muộn trên văn đàn, nhưng chỉ với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ, cái tên Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một hiện tượng hiếm gặp và gây nên nhiều tranh cãi. Với “Tướng về hưu”, ông đã viết bằng một giọng văn, một kiểu viết khác hẳn đến mức nhà văn Nguyễn Khải, tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: "Xung đột", "Mùa lạc"… đã nói ông sẵn sàng đánh đổi truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp với tất cả các tác phẩm ông viết ra trong 30 năm cầm bút trước đây.
Cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Với những truyện ngắn của mình xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Thiệp đã chính thức chia tay với không gian “nhà binh”, mà đi thẳng “vào nhà”. Chính vì điều này, người ta đã gọi ông là người mở đường cho văn học Việt Nam sau 1975 bằng một tinh thần đổi mới quyết liệt. Các tác phẩm của ông khai thác những sinh hoạt thường ngày như “Nhà ô sin”, “Những người thợ xẻ”, “Muối của rừng”, “Những ngọn gió Hua Tát” … nhưng có màu sắc huyễn hoặc, huyền thoại và được thể hiện bằng một giọng văn lạnh lùng, sắc sảo. Ông gọi tên và chỉ ra chính xác các sự vật, hiện tượng đang diễn ra trong thực tế.
Với “Nhà ô sin”, Nguyễn Huy Thiệp đã lấy chính bối cảnh đang diễn ra tại gia đình họa sĩ Lê Thiết Cương. Nhớ về thời gian Nguyễn Huy Thiệp thường lui tới gia đình mình vào khoảng thời gian đó, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, chuyện nhà anh có tới 7 ô sin đã từng trở thành chuyện nhiều người đàm tiếu. Chính vì thường qua nhà mình và có thời gian gắn bó khá lâu, được chứng kiến những chuyện xảy ra trong gia đình họa sĩ, Nguyễn Huy Thiệp đã viết “Nhà ô sin” với tư tưởng, nội dung ẩn sau câu chuyện đời thường. Đó là những ô sin-những người lao động sẽ trở thành các ông chủ, bà chủ, còn những ông chủ, bà chủ lại có thể thành ô sin.
Khi viết xong, Nguyễn Huy Thiệp nói với họa sĩ xem có báo nào đăng truyện ngắn này cho vui. Khi đó có tờ Sài Gòn tiếp thị ở thời hạn áp chót đăng báo Tết đã rất ưu ái nhà văn. Sau đó, NSND Lê Khanh đã đọc được câu chuyện này và ngỏ ý muốn dựng lại trên sân khấu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ với những màn hài kịch cợt nhả hài hước.
Một cảnh trong vở "Nhà ô sin" được chuyển thể từ tác phẩm "Nhà ô sin" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Là một nhà văn nổi tiếng nhưng Nguyễn Huy Thiệp không giàu có, thậm chí là nghèo. Cái nghèo bủa vây lấy gia đình ông từ những ngày 2 vợ chồng ông mới lấy nhau. Cả gia đình chỉ biết trông chờ vào đồng lương còm của nhà nước. Nhưng công việc lại bấp bênh. Con trai ông, Nguyễn Phan Bách từng kể, có lần Tết Trung thu, ông muốn mua cho con cái bánh nướng bánh dẻo mà cũng không đủ. Trong túi ông không có nổi lấy 5 hào. Ngay cả những lúc cuối đời, cái nghèo vẫn chưa buông tha cho ông. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể, khi ông đột quỵ lần hai, ông Thọ gọi cho con trai của ông thì mới hay tài khoản của gia đình chỉ còn đúng 9 triệu đồng. Trong lúc đó, trong gia đình còn có hai người khác cũng đang ốm nặng.
Nhớ về Nguyễn Huy Thiệp, nhiều người bạn của ông vẫn nhớ về những bữa ăn sáng với khoai lang của ông. Có lẽ đấy là thói quen của những người công tác lâu năm trên miền núi, nhưng cũng có thể là thói quen của những người nghèo, những người chỉ biết làm bạn với khoai, với sắn. Nhà thơ dân gian Bảo Sinh vẫn nhớ, ông và Nguyễn Huy Thiệp thường có những buổi đi dạo vòng quanh Bờ Hồ và mỗi khi ngồi nghỉ, nhà văn lại lôi trong túi ra 1 củ khoai và chia đôi cho người bạn già. Vợ ông đã quá hiểu thói quen này của chồng. Sáng nào, bà cũng luộc cho ông một nồi khoai lang. Còn ông đi đâu cũng có vài củ khoai trong túi.
Những lần làm sách ở nhà họa sĩ Lê Thiết Cương, ông và các nhân viên ở đây vẫn thường giải lao bằng những nửa khoai được chia sẻ từ ông. Nguyễn Huy Thiệp bao giờ cũng viết bảo thảo bằng tay, sau đó nhờ đánh máy lại. Những con chữ nhảy múa trên tờ giấy trắng chỉ ông mới đọc được. Có điều đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp rất ít khi sửa bản thảo, những lời ông đã viết ra gần như đóng đinh trên trang giấy. Nếu có sửa, cả 1 tờ A4 cũng chỉ có 2-3 chữ được viết lại. Đó là cái tài của một nhà văn lớn, ông đã suy nghĩ rất kỹ, ý tưởng đã nung nấu đến độ chín muồi mới đặt bút viết. Một khi viết ra rồi là thành văn, thành từ có sức nặng. Những ngày cuối đời, Nguyễn Huy Thiệp rơi vào hôn mê. Vợ ông cũng đã ra đi cách đây vài tháng.
Và rồi, chọn đúng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), nhà văn lớn của Việt Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng, kết thúc một hành trình nhiều mệt mỏi, ưu tư như "con tằm rút ruột nhả tơ", nay đã thanh thản bay đi.
Nói như nhà thơ dân gian Bảo Sinh, càng về già, ông và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đi 1 vòng Bờ Hồ càng ít gặp lại những người bạn của mình. Có lần, đi tới 2 vòng hồ mới gặp được 1 người bạn.
Quy luật sinh lão bệnh tử là điều không ai tránh khỏi, chỉ có, nó đến với ai đó sớm hay muộn.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi. |