Tương lai nào cho ĐT Việt Nam?

ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2024 bằng một tập thể có tuổi đời trung bình cao thứ 3 giải đấu. Không nhiều cầu thủ trẻ được HLV Kim Sang Sik lựa chọn đồng hành ở chiến dịch lần này. Phía sau một chức vô địch ấn tượng là những trăn trở về tương lai cho ĐT Việt Nam nói riêng và cho bóng đá Việt Nam nói chung.

Tránh vết xe đổ

Hai cú ngã tại vòng loại World Cup 2026 và VCK Asian Cup 2023 khiến ĐT Việt Nam phải nói lời chia tay ông Philippe Troussier, người mạnh tay tạo nên cuộc cách mạng trẻ hoá đội hình. “Ông Troussier chuyển giao thế hệ quá nhanh. Ông sử dụng các cầu thủ trẻ với quá ít kinh nghiệm. Tôi không nghĩ họ thể hiện hết năng lực của mình”, HLV Kim Sang Sik - người vừa cùng ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2024 chia sẻ mới đây, trước câu hỏi so sánh thành công mà nhà cầm quân này vừa có được so với thất bại đến từ người tiền nhiệm.

Thực tế, không cần phải chờ đến khi vô địch AFF Cup 2024, bằng một tập thể có tuổi đời trung bình cao thứ 3 giải đấu, ông Kim Sang Sik mới đúc rút ra vấn đề ấy. Bởi từ trước khi đến Việt Nam nhận vị trí HLV trưởng, vị chiến lược gia 47 tuổi đã nhờ sự giúp đỡ của một số cộng sự, để tìm hiểu kỹ càng lý do khiến ông Troussier thất bại với ĐT Việt Nam.

Đó không chỉ là câu chuyện thành tích không tốt trên sân trên sân mà còn là một loạt vấn đề hậu trường, từ đối đầu với truyền thông, quan hệ căng thẳng với cầu thủ,… Mọi thứ xoay quanh ông Troussier, từ thành công đến thất bại đều được phía HLV Kim Sang Sik thu thập, với hy vọng tránh vết xe đổ lặp lại trong nhiệm kỳ của bản thân.

Nếu để ý kỹ trong khoảng nửa năm đầu tiên dẫn dắt ĐT Việt Nam, ông Kim Sang Sik làm ngược lại những gì mà HLV Philippe Troussier từng trải. Ông dành sự hoà nhã, thân thiện với các phóng viên. Vị HLV này đưa trở lại những cầu thủ gạo cội vốn được người hâm mộ yêu thích. Nhiều cầu thủ trẻ được triệu tập dưới thời người tiền nhiệm Troussier chỉ hiện diện tại U23 Việt Nam. Một số gương mặt tiềm năng khác từng bước đan xen trong tập thể ưu tiên kinh nghiệm và an toàn tại ĐT Việt Nam, dưới thời HLV Kim Sang Sik.

Cũng trong nhiệm kỳ của HLV Kim Sang Sik, phiên dịch bị giảm đi tầm ảnh hưởng và phát ngôn. Người chuyển ngữ phải thông qua… 1 phiên dịch thứ ba khác. Lần hiếm hoi trong lịch sử bóng đá Việt Nam, quá trình thông dịch viên lại diễn ra rườm rà đến như vậy. Nhưng đó cũng là một hành động cho thấy HLV Kim Sang Sik và công ty đại diện của ông đề cao sự an toàn thế nào, nhất là khi đối chiếu với những sự cố xảy ra thời HLV Troussier tại vị.

tuyen-viet-nam.jpg -0
Ông Kim đã vượt qua giai đoạn thử thách khi giúp Việt Nam vô địch AFF Cup.

Dấu hỏi đường dài

HLV Kim Sang Sik đã làm tất cả để giải quyết khủng hoàng tiềm tàng có thể bủa vây lấy mình trong phần đầu của nhiệm kỳ dẫn dắt ĐT Việt Nam. Theo thời gian, bằng sự quan sát trong nghề cũng như guồng quay của bóng đá Việt, dựa trên lăng kính V.League và ĐTQG, ông Kim cũng sẵn sàng tạo nên sự táo bạo trong cách dùng người. Tất nhiên, trước mỗi lần đưa ra quyết định có thể khiến dư luận phản ứng, vị chiến lược gia Hàn Quốc cũng khéo léo phát ngôn trên truyền thông.

Câu chuyện không gọi Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Công Phượng là một điển hình. Nửa tháng trước khi bản danh sách ĐT Việt Nam được công bố, HLV Kim Sang Sik đưa ra một phát biểu đáng chú ý. Đó là một số cầu thủ có kinh nghiệm nhưng thể lực lại không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, nhiều gương mặt trẻ dồi dào về sức chiến đấu song thiếu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.

Khi công bố danh sách lên ĐT Việt Nam hướng tới AFF Cup, thông qua LĐBĐ Việt Nam, ông Kim Sang Sik tiếp tục gửi thông điệp về lý do không chọn Quế Ngọc Hải hay Đỗ Hùng Dũng, phần nào đó là chuyện chưa triệu tập Công Phượng lên đội tuyển Việt Nam. Xuyên suốt hành trình chuẩn bị cho giải đấu, ông Kim cũng từng bước lược đi một số cầu thủ trẻ chưa có kinh nghiệm, qua đó tạo nên tập thể có tuổi đời trung bình thuộc diện top đầu AFF Cup 2024. 

Sau cùng, việc “Những chiến binh sao Vàng” vô địch giải đấu, thậm chí là với thành tích tốt nhất trong số các đội lên ngôi trong lịch sử, là minh chứng cho thấy quyết định đúng đắn trong việc dùng người mang tính thời điểm của ông Kim Sang Sik. Nhà cầm quân Hàn Quốc cũng có lý do để lựa chọn góc độ an toàn trong việc chọn cầu thủ kinh nghiệm thay vì mạo hiểm cho một cuộc chuyển hoá. Bởi đơn giản, theo chi tiết hợp đồng mới được tiết lộ, ông hoàn toàn có thể bị sa thải, nếu như không thể giúp ĐT Việt Nam vào đến chung kết của AFF Cup 2024.

Vậy câu hỏi đặt ra rằng, sau khi đã hoàn thành mục tiêu mang tính thời điểm, HLV Kim Sang Sik sẽ làm gì tiếp theo, cho ĐT Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung? Vị HLV này cũng sẵn sàng vẽ ra viễn cảnh: “Vô địch AFF Cup 2024 chỉ là một khoảnh khắc. Để vượt qua ngọn núi cao hơn, để đạt được thành tựu mới thì chúng tôi phải bắt tay vào chuẩn bị ngay từ thời điểm này.

Trước mắt, tôi sẽ chăm chỉ đi xem V.League để tìm ra cầu thủ mới phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Mục tiêu của ĐT Việt Nam là là vượt qua vòng loại Asian Cup 2027 và vô địch SEA Games 32. Xa hơn, tôi nghĩ ĐT Việt Nam có khả năng dự World Cup 2030. Thông qua giải đấu vừa qua, tôi cảm nhận các cầu thủ Việt Nam có đủ năng lực để thi đấu ở World Cup. Nếu chuẩn bị đủ tốt, chúng ta có thể thực hiện giấc mơ đó”!

Tạm thời, chúng ta có một HLV an toàn, với hướng đi chắc chắn cho những mục tiêu cụ thể. Chí ít, ngay cả khi nói về viễn cảnh, ông Kim cũng chừng mực và lựa chọn một góc độ phù hợp để bản thân không rơi vào thế quá khó…

Tiếp nối làn sóng nhập tịch

Sau thành công đến từ cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son, HLV Kim Sang Sik không từ chối cơ hội triệu tập thêm gương mặt Việt kiều hoặc nhập tịch. Mới đây nhất, ông nói: “Nếu Jason Quang Vinh (cầu thủ Việt kiều - PV) và Hendrio (ngoại binh) có quốc tịch Việt Nam, tôi rất muốn gọi họ lên ĐT Việt Nam. Tất nhiên, để trở thành một tuyển thủ quốc gia, cả Quang Vinh lẫn Hendrio phải thực sự thể hiện được tình yêu, cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì ĐT Việt Nam. Nếu họ làm được, tôi sẵn sàng trao cơ hội”.

Các cầu thủ nội của Việt Nam cũng sẵn sàng chào đón Việt kiều hay ngoại binh nhập tịch Việt Nam. Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh bày tỏ: “Xuân Son hay những cầu thủ nhập tịch khác sẽ giúp thành tích của ĐT Việt Nam có thể tốt hơn trong tương lai. Bản thân tôi hay những cầu thủ khác cũng xem Xuân Son như một động lực để cố gắng. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh trong thể thao thôi. Tôi thích cảm giác được cạnh tranh như thế này”.

https://cand.com.vn/the-thao/tuong-lai-nao-cho-dt-viet-nam--i756362/

An Khánh