Tương lai mờ mịt của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới nhưng Nga cho biết nước này không thấy có lý do gì để gia hạn vì phương Tây đã có những hành động “thái quá” với thỏa thuận này. Tuy vậy, Moscow đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc sang các nước nghèo sẽ vẫn được tiếp tục.

Trước tình cảnh bấp bênh của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Liên hợp quốc (LHQ) đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên “cam kết tiếp tục và thực hiện hiệu quả thỏa thuận không chậm trễ hơn nữa”. Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng cũng kêu gọi tất cả các bên hợp tác để giảm tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan ngay lập tức dỡ bỏ cái gọi là lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán vũ khí dài hạn. Thỏa thuận Ngũ cốc Biển đen nên được thực hiện một cách cân bằng và hiệu quả. Bản ghi nhớ mà LHQ và Nga đã ký kết cần được thực hiện nghiêm túc”.

8-1688259286716
Cần phải tiếp tục gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen để bảo vệ mạng sống cho hàng chục triệu người đang đứng trước nguy cơ đối mặt với nạn đói.

Trước đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cảnh báo việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ tác động mạnh đến khu vực Sừng châu Phi, đồng thời cảnh báo việc giá lương thực tăng mạnh lần nữa sẽ khiến hàng chục triệu người đối mặt với đói kém. Quan chức cấp cao phụ trách vấn đề khẩn cấp của WFP Dominique Ferretti cho rằng, kịch bản trên nếu xảy ra chắc chắn sẽ tác động mạnh đến khu vực Đông Phi. Ông nhận định: “Việc không đổi mới Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến Đông Phi. Có một số quốc gia phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine và nếu không có nó, chúng ta sẽ chứng kiến giá lương thực cao hơn đáng kể”.

Trước tình hình trên, WFP hiện đang tích cực chuẩn bị nhiều lương thực nhất có thể và sẽ buộc phải chuyển sang các nhà cung cấp khác nếu thỏa thuận bị hủy. Trong khi đó, bà Brenda Lazarus, đại diện của FAO cho biết, lúa mỳ là lương thực chính trong khẩu phần ăn của người dân tại Somalia, Sudan, Djibouti và Eritrea, do đó, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ diễn ra rất chậm. Các số liệu của LHQ cho thấy, khoảng 700.000 tấn ngũ cốc đã được vận chuyển tới Kenya và Ethiopia kể từ khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen có hiệu lực.

Dù con số này chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng xuất khẩu, song khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng của giá lúa mỳ tăng cao kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát vào năm ngoái. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, khoảng 10,4 triệu trẻ em đang đối mặt với suy dinh dưỡng, trong khi tỷ lệ nhập viện tại Somalia, Nam Sudan và một số khu vực của Kenya đã lên mức cao nhất trong 3 năm qua.

Về phía giới chuyên gia, giáo sư Armagan Gozkaman, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Istanbul Beykent (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục tham gia đàm phán gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Ông đưa ra 3 yếu tố để giải thích cho nhận định của mình. Thứ nhất, Moscow được hưởng một số lợi ích nhất định khi đổi lấy việc tạo điều kiện vận chuyển thực phẩm của Ukraine qua Biển Đen, bán phân bón và quyền chọn bán khí đốt tự nhiên.

Giáo sư Armagan Gozkaman nhấn mạnh: “Điều này rất quan trọng và Nga sẽ không từ bỏ nó”. Thứ hai, tác động đối với các nước châu Phi. Theo ông, phải có một điều gì đó rất nghiêm trọng xảy ra thì Nga mới rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ví dụ như sự leo thang nghiêm trọng về mức độ đối đầu giữa các bên trong cuộc xung đột hoặc bên đã thỏa thuận với Moscow về xuất khẩu phân bón và khí đốt của Nga hoàn toàn và cố ý không thực hiện nghĩa vụ. Và cuối cùng là sự tham gia của Trung Quốc vào thỏa thuận ngũ cốc. Giáo sư Armagan Gozkaman cho rằng, nếu thỏa thuận ngũ cốc hiện nay bị hủy bỏ, Moscow có thể mất một số ưu đãi trong giao dịch với Bắc Kinh.

Hiện, vẫn có sự bất đồng lớn giữa Nga và các bên xoay quanh hiệu quả của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Trong khi Mỹ, Ukraine và một số nước phương Tây cho rằng, phần lớn ngũ cốc của Ukraine xuất khẩu qua hành lang này được vận chuyển đến các quốc gia đang phát triển, Nga cho biết việc cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới không giải quyết được vấn đề thiếu hụt lương thực của các nước châu Phi khi chỉ có 3,1% lô hàng ngũ cốc của Ukraine thông qua thỏa thuận là đến được châu Phi.

LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2022 để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine. Thỏa thuận này cho phép thực phẩm và phân bón được xuất khẩu từ ba cảng của Ukraine là Chornomorsk, Odesa và Pivdennyi (Yuzhny). Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, đến tháng 11/2022 được gia hạn thêm 120 ngày. Ngày 13/3 vừa qua, Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, cho đến ngày 18/5. Theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới.

Để thuyết phục Nga đồng ý với sáng kiến này, một hiệp ước cũng đã được ký kết vào tháng 7/2022, trong đó, LHQ đồng ý hỗ trợ Nga khắc phục các rào cản đối với các chuyến hàng xuất khẩu thực phẩm và phân bón của họ. Các yêu cầu cụ thể của Nga là Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT), nối lại việc cung cấp máy móc nông nghiệp và các thiết bị sản xuất cho Nga, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế đối với bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Các yêu cầu khác bao gồm nối lại đường ống dẫn amoniac Togliatti-Odesa, cho phép Nga bơm hóa chất tới cảng Biển Đen của Ukraine, đồng thời dỡ bỏ phong toả tài sản và tài khoản của các công ty Nga liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón. Tuy nhiên, Moscow cho biết hiện không có tiến triển về bất kỳ yêu cầu nào trong số đó.

Theo CAND