Lực lượng Tuần duyên Mỹ muốn lắp tên lửa chống hạm cho tàu phá băng, nhằm chuẩn bị cho tình huống giao tranh ở vùng cực.
Tàu phá băng USCGC Polar Star. Ảnh: USCG. |
Tư lệnh lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) Paul Zunkunft hồi cuối tháng 1 tuyên bố các tàu phá băng thế hệ mới, dự kiến đi vào biên chế từ năm 2023, sẽ dành sẵn không gian và nguồn năng lượng để bố trí, vận hành vũ khí hạng nặng như tên lửa chống hạm, theo War is Boring.
Tuy nhiên, USCG chưa thông qua kế hoạch lắp đặt vũ khí lên các tàu phá băng mới. Ông Zunkunft cho rằng việc này còn phụ thuộc vào tình hình hợp tác hay đối đầu ở vùng cực giữa Mỹ, Nga và các quốc gia khác. "USCG muốn vũ trang hoá hoàn toàn những con tàu này, biến chúng thành nền tảng tiến công trong trường hợp thế giới thay đổi sau 5 đến 15 năm nữa", ông Zukunft phát biểu.
Tuyên bố của tư lệnh USCG xác nhận tin đồn về việc tàu phá băng mới của Mỹ có thể được trang bị tên lửa chống hạm hoặc các vũ khí hạng nặng khác. Lực lượng này đang chế tạo 6 tàu phá băng để thay thế chiếc Polar Star 42 tuổi có lượng giãn nước 14.000 tấn. Polar Star là tàu duy nhất của Mỹ có thể mở đường tới trạm nghiên cứu của nước này ở Nam Cực, cũng là tàu phá băng hạng nặng duy nhất thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ.
Tuần duyên Mỹ cũng biên chế tàu phá băng hạng trung mang tên Healy, có lượng giãn nước 11.000 tấn. Cả hai tàu phá băng chỉ mang được vũ khí bộ binh hạng nhẹ và trực thăng tuần tra, ngoài ra không có hệ thống chiến đấu nào khác.
Nếu các tàu phá băng mới được lắp tên lửa hành trình, chúng sẽ là các tàu vũ trang mạnh nhất trong hạm đội USCG. Tuy nhiên, lực lượng này không có nhiều kinh nghiệm triển khai và sử dụng vũ khí hạng nặng. USCG chỉ mới bắn thử một tên lửa chống hạm Harpoon từ USCGC Mellon, tàu tuần tra hạng nặng lớp Hamilton, hồi năm 1990.
Vũ khí mạnh nhất trong biên chế USCG hiện nay là pháo tự động cỡ nòng 76 mm và 57 mm trên tàu tuần tra lớp Hamilton và Legend. Mỹ đang đóng mới 9 tàu lớp Legend có lượng giãn nước 4.500 tấn, nhằm thay thế hơn 10 chiếc Hamilton đang dần loại biên.
Tàu tuần tra lớp Legend chỉ trang bị pháo tự động cỡ nòng 57 mm. Ảnh: Defense Industries. |
Chiếc đầu tiên trong 6 tàu phá băng mới có thể sẽ tiêu tốn khoảng một tỷ USD. Hải quân Mỹ sẽ đầu tư chi phí cho con tàu này, trong khi chi phí đóng những chiếc còn lại được lấy từ nguồn của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan chủ quản của USCG.
Ông Zukunft khẳng định USCG chưa lựa chọn loại vũ khí để lắp cho tàu phá băng mới. Chúng dự kiến được đặt trong cụm ống phóng đặt trên mặt boong, thay vì sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng dưới boong như tàu mặt nước của hải quân Mỹ. USCG đòi hỏi các vũ khí này phải có thiết kế module, hạn chế tối đa việc chỉnh sửa kết cấu khung thân của tàu phá băng.
Các hệ thống cảm biến phục vụ tên lửa và pháo hạng nặng cũng chưa được thống nhất. Trong trường hợp không được lắp radar cảnh giới tầm xa, các tàu này sẽ phải dựa vào máy bay, vệ tinh và phương tiện khác để cung cấp tham số mục tiêu.
Canada và Nga cũng đang chế tạo những lớp tàu phá băng được vũ trang mạnh trong tham vọng giành ảnh hưởng ngày càng lớn ở vùng cực. Để giảm căng thẳng và tránh gây đối đầu, tư lệnh Zukunft khuyến cáo đồng minh và đối thủ của Mỹ không triển khai tàu chiến lớn đến Bắc Cực và Nam Cực, cho rằng khu vực này chỉ nên có bóng dáng những tàu tuần tra được vũ trang vừa phải.
Cuộc đua “khống chế” Bắc Cực - Mỹ hụt hơi trước Nga và Trung Quốc
Khi Nga đang trở thành lãnh chúa nơi "mái nhà thế giới", Trung Quốc khởi động tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Cực ... |
Con đường tơ lụa Bắc Cực: Trung Quốc tham vọng gì ở "vùng đất trắng"?
Chính sách Bắc Cực ấp ủ 10 năm qua của Trung Quốc đã được công bố. Như mọi khi, sự trỗi dậy của cường quốc ... |