Mấy ngày qua, thông tin cô gái trẻ tạm trú ở huyện Hóc Môn, TP.HCM mang thai tháng thứ 4 bị tử vong sau khi nâng ngực gây xôn xao dư luận.
Được biết, sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc và yêu cầu bệnh viện có liên quan niêm phong bệnh án (nếu có) để làm rõ. Sau đó, Thanh tra sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành lập hội đồng khoa học khi cần thiết nếu có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trước đó, báo PNVN thông tin, cô gái tên S.B.T. (22 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM, đang mang thai mà không biết) được một bác sĩ công tác ở bệnh viện trên địa bàn TP đưa vào bệnh viện Vạn Hạnh để phẫu thuật nâng ngực.
Sau khi về nhà chừng 10 ngày, chị T. bị tai biến, nhiễm trùng, mệt, tụt huyết áp, được đưa vào bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn thăm khám rồi nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 để cứu chữa. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh càng nặng khó qua khỏi nên người nhà xin về và đã tử vong.
Cô gái xinh đẹp tử vong khi mới 22 tuổi do nhiễm khuẩn sau phẫu thuật ngực? (Ảnh: PNVN)
Trường hợp cô gái T. gặp sự cố sau nâng ngực không phải là hi hữu. Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV, Ths.BS Trần Bảo Khánh, chuyên gia Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình tại đại học Y Hà Nội) đưa ra 5 lưu ý khi nâng ngực:
1. Xác định rõ lý do “nâng cấp” vòng một: Bạn cần xác định là do ngực phát triển chậm hoặc kích thước nhỏ; 2 bên ngực không đều nhau, khác biệt rõ ràng hay ngực bị sa trễ trong giai đoạn sau thai kỳ. Quyết định phẫu thuật ngực đồng nghĩa với việc bạn muốn thay đổi để tăng sức hấp dẫn và mang lại sự tự tin cho bản thân. Đó cũng là nhu cầu chính đáng của nhiều chị em phụ nữ.
2. Lựa chọn bác sĩ chuyên môn giỏi, viện thẩm mỹ được cấp phép: An toàn là yếu tố quan trọng khi bạn quyết định phẫu thuật. Lựa chọn bác sĩ chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm sẽ giúp bạn an tâm khi làm đẹp. Vì thế, bạn cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về bác sĩ, cơ sở thẩm mỹ để chọn lựa kỹ lưỡng.
Điều quan trọng, bác sĩ cần phải có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm về nâng ngực, có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, tạo hình thẩm mỹ hợp pháp cũng như khả năng đoán định trước. Bạn nên thảo luận kỹ với bác sĩ để hiểu rõ những quy trình chuyên môn tiền, hậu phẫu, vị trí của sẹo mổ; những biến chứng có thể gặp phải trong khi nâng ngực và cách chăm sóc khoa học để có tác dụng lâu dài.
3. Chọn túi ngực phù hợp: Việc chọn túi ngực không đơn giản bởi kích thước phải phù hợp, hài hòa với mong muốn của chị em cũng như tuân thủ tỉ lệ chuẩn của một bầu ngực đẹp. Hiện, có nhiều sản phẩm mô cấy với tuổi thọ dài, bền đẹp.
4. Chuẩn bị kỹ lưỡng trước phẫu thuật: Bạn cần dành nhiều thời gian để được tư vấn kỹ trước khi phẫu thuật. Trước khi đến các trung tâm làm đẹp để thăm khám, tư vấn, bạn nên tìm hiểu trước các phương pháp liên quan đến nâng ngực. Việc này giúp bạn trang bị sẵn kiến thức cần thiết và có thể nêu lên thắc mắc về phương pháp thực hiện khi bác sĩ thăm khám; sau đó, cùng bác sĩ trao đổi để chọn phương pháp phù hợp nhất.
5. Chế độ chăm sóc sau phẫu thuật: Bạn nên nhẹ nhàng khi đi lại, vệ sinh cá nhân, không vận động mạnh, mang vác nặng nề. Thời điểm 6 tuần sau nâng ngực, bạn có thể tập lại aerobic, bơi, yoga, không nên mặc áo nâng ngực dạng có gọng và miếng đệm quá sớm vì có thể gây méo mó, thời điểm thích hợp nhất là sau 6 tuần.