Tổ quốc nơi đầu sóng gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tôi luyện nên những người lính kiên trung, vững vàng trước phong ba, bão táp.
Đảo Bạch Long Vĩ mang đậm sắc màu của dải biên cương địa đầu Lũng Cú. Nếu ở cực Bắc Lũng Cú được bao trùm bởi đá núi thì đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ bốn bề sóng vỗ. Tổ quốc nơi đầu sóng gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tôi luyện nên những người lính kiên trung, vững vàng trước phong ba, bão táp. Họ - những người lính Trạm Ra-đa 490 được ví như “con mắt” của biển, vừa thực hiện nhiệm vụ quan sát mục tiêu, vừa dẫn đường, chỉ lối cho ngư dân trong vùng Vịnh.
Dù thời gian chuyến công tác ngắn ngủi nhưng cũng đủ giúp chúng tôi hiểu hơn về nhiệm vụ cao cả của người lính Hải quân, nhất là những người làm nhiệm vụ quan sát, quản lý, thông báo mục tiêu trên biển.
Theo Đại úy Nguyễn Danh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Ra-đa 490: Vùng biển Bạch Long Vĩ là một trong những vùng trọng điểm, phức tạp nhất Vịnh Bắc Bộ, do có nhiều tàu quân sự, tàu nước ngoài di chuyển, nhất là tàu cá Trung Quốc thường xâm phạm sâu.
Các chiến sỹ Trạm Trinh sát kỹ thuật (Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân) luôn chắc tay súng tuần tra bảo vệ vững chắc vùng biển Tổ quốc. (Ảnh: Kim Tiến)
Tuy nhiên, với việc quan sát tốt mục tiêu, thông tin có độ tin cậy cao và thông báo kịp thời cho các lực lượng chấp pháp trên biển xử lý đã góp phần giữ bình yên vùng biển quản lý. Mặc dù thời tiết năm nay diễn biến bất thường, gió mùa thường xuyên xảy ra, mục tiêu trên biển đa dạng, phức tạp... nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn đảm nhiệm phiên ca trực 24/24 giờ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn tổ chức luyện tập hiệp đồng phiên ban toàn Trạm; luyện tập xử lý các tình huống bất thường trên biển như: Tàu gặp nạn, tàu buôn lậu chạy khác tuyến, tàu lạ neo đậu, tàu cá nước ngoài xâm lấn...
Trạm Trinh sát kỹ thuật (Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân) cũng là đơn vị giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Trung úy Nguyễn Đình Thi, cán bộ Trạm Trinh sát kỹ thuật cho biết: Đơn vị duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện; tổ chức trực ban, thường xuyên tuần tra, canh gác; nêu cao ý thức cảnh giác trong công tác đóng quân canh phòng bảo mật thông tin; tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sỹ sát với thực tế chiến đấu và sát với đối tượng giao nắm trong chỉ lệnh; duy trì nề nếp chính quy trong đơn vị...
Điều mà chúng tôi ấn tượng trong khoảng thời gian trên đảo đó chính là hình ảnh ngọn Hải đăng cao vút, sừng sững giữa biển trời bao la. Trong đêm tối mịt mùng hay giữa sóng cuồng, bão giật, ngọn đèn biển vẫn sáng soi, dẫn đường cho tàu thuyền đi đúng hướng. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi nhớ đến Cột cờ Quốc gia Lũng Cú hiên ngang nơi địa đầu Tổ quốc – mang dáng vẻ kiêu hùng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Đại úy Trần Danh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Ra-đa 490 nói với chúng tôi: Vùng biển Bạch Long Vĩ thường xuyên hứng chịu những trận bão lớn, biển động dữ dội và ngọn Hải đăng đã giúp nhiều tàu cá nhận biết phương hướng, lánh nạn kịp thời, tránh được nhiều thiệt hại không đáng có.
Ngọn Hải đăng trên đảo Bạch Long Vĩ.
Qua tìm hiểu về cuộc sống của chiến sỹ trên đảo, chúng tôi nhận thấy điểm chung nhất ở nơi đảo xa Bạch Long Vĩ và vùng đất địa đầu Lũng Cú đó chính là thiếu nước sinh hoạt. Dù vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn tích cực đẩy mạnh tăng gia, sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Cũng như những người lính trấn giữ vùng đất biên cương cực Bắc Hà Giang đã tận dụng từng khoảnh đất và nước mưa để trồng rau, nuôi lợn. Theo chia sẻ của những người lính biển, toàn bộ các đơn vị đóng quân trên đảo đều tăng gia, đảm bảo bữa ăn thêm rau xanh.
Từ một người lính thuộc Vùng I Hải quân, đồng chí Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bạch Long Vĩ đã có nhiều năm gắn bó với huyện đảo, chia sẻ: Trước đây, huyện đảo thiếu thốn đủ đường; nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bạch Long Vĩ đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân trên đảo dần được nâng cao; cơ sở hạ tầng được đầu tư; giáo dục, y tế được quan tâm; các nhóm ngành dịch vụ, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng có bước phát triển đáng kể. Cấp ủy, chính quyền huyện đảo đang tiếp tục ra sức xây dựng địa phương vững mạnh, đảm bảo đời sống quân, dân trên đảo không có nhiều khác biệt so với đất liền; giữ vững vị trí chiến lược quan trọng của Tổ quốc nơi đầu sóng.
Chia tay “đuôi rồng trắng” trong những cái ôm xiết chặt của cán bộ, chiến sỹ ở lại trực Tết trên đảo, Tàu HQ-634 nổ máy rời Âu cảng. Bạch Long Vĩ xa dần khỏi tầm mắt và những cánh tay vẫy chào từ bến cảng khiến chúng tôi nghẹn ngào. Gió biển ngày về dường như thêm mặn mòi và có lẽ tình cảm nồng ấm của những người lính đảo khiến khóe mắt chúng tôi thêm cay. Chắc chắn ở đất liền sẽ luôn ấm lòng bởi nơi đây đã có những người lính Hải quân không ngại nắng mưa hay phong ba, bão táp, kiên cường nơi tuyến đầu canh giữ bình yên biển trời quê hương.
Bão số 4 giật cấp 12 hoành hành trên đảo Bạch Long Vĩ
Bão số 4 đang hoành hành ngay trên đảo Bạch Long Vĩ với gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. |
Ba thuyền viên được cứu sau sáu giờ trôi dạt trên biển
Sà lan chở 600 tấn vật liệu xây dựng chìm, ba thuyền viên nhảy xuống biển và may mắn được tàu cá Thanh Hóa cứu. |