Tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 4/9 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Trương Minh, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính trị quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, năm 2017, kinh tế toàn cầu chào đón 1 năm tốt nhất kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhà nghiên cứu Trương Minh, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính trị quốc tế, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: Economy. |
Năm 2017, sự phục hồi kinh tế đã từ thiểu số quốc gia mở rộng đến đa số quốc gia, kinh tế toàn cầu xuất hiện cục diện phục hồi chung, từ đó làm ấm lại thương mại toàn cầu và lưu động nguồn vốn ngắn hạn.
Vào năm 2017, ngoài Cực dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, Ngân hàng Anh cũng bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần lượt phát đi tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu từ phân hóa chuyển sang thắt chặt tập thể. Đây cũng là nguyên nhân chỉ số đồng USD tụt xuống rõ rệt.
Trong năm 2017, rủi ro chính trị trên phương diện bầu cử của các nước lớn thuộc khu vực đồng Euro không trở thành hiện thực. Trong các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Pháp, Đức, các chính đảng cực tả và cực hữu cuối cùng đều đã thất bại trước các chính đảng chính thống.
Trong năm 2017, xung đột địa - chính trị cuối cùng đã được chứng minh là có thể kiểm soát, bất kể vấn đề Trung Đông hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên cuối cùng hoàn toàn không dẫn đến xung đột lớn. Nửa đầu năm 2018, kinh tế toàn cầu lại chuyển biến đột ngột, có các đặc điểm mới sau đây:
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu từ phục hồi chung tiếp tục chuyển sang phân hóa. Trong các nước phát triển, ngoài kinh tế Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng tưởng đối cao, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực đồng Euro, Anh, Nhật Bản đều có tình trạng đi xuống.
Thứ hai, cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục phân hóa, chính sách tiền tệ trên toàn cầu cũng từ thắt chặt tập thể trong dự kiến chuyển sang tái phân hóa. Hiện nay chỉ có FED vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, khu vực đồng Euro cũng đã trì hoãn kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chính sách tiền tệ tên toàn cầu từ nhiều nước thắt chặt chuyển sang một mình Mỹ thắt chặt, đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới chỉ số đồng USD mạnh lên trong năm 2018.
Thứ ba, xung đột địa - chính trị toàn cầu gia tăng rõ rệt. Hành vi tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ vào quý 2 năm 2018 đã trực tiếp đẩy mức giá dầu toàn cầu lên mỗi thùng 20 USD, gây sức ép đình trệ cho kinh tế toàn cầu.
Thứ tư, xung đột thương mại Trung - Mỹ gia tăng rõ rệt, đồng thời có xu hướng tiếp tục leo thang trong tương lai. Xung đột thương mại Trung - Mỹ sẽ làm suy yếu hiệu ứng tác động từ nhu cầu của các nền kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh như Mỹ, Trung Quốc đối với các nền kinh tế khác trên toàn cầu, từ đó không có lợi cho phục hồi thương mại toàn cầu và kinh tế thế giới.
Về khách quan, mặc dù trước đó thực sự có một số dấu hiệu, nhưng xung đột thương mại Trung - Mỹ trở nên gay gắt từ tháng 3/2018 đến nay, và phần lớn mọi người đã không thể đoán trước được trước đó.
Về mặt cơ bản kinh tế, kinh tế thế giới năm 2017 phục hồi tập thể, làm cho thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tiếp tục đạt mức kỷ lục lịch sử trên 800 tỷ USD trong năm 2017, đây là một trong những bối cảnh dẫn tới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump phát động xung đột thương mại Trung - Mỹ là do có mục đích và nhu cầu sâu xa hơn. Nguyên nhân bên ngoài của xung đột thương mại Trung - Mỹ là Trung Quốc xuất siêu thương mại khổng lồ đối với Mỹ. Còn chính phủ Mỹ tìm cách thông qua các loại biện pháp để giảm mất cân bằng thương mại có nguyên nhân sâu xa hơn là chính phủ Mỹ cảnh giác, đề phòng với sự tiến bộ công nghệ và nâng cấp ngành nghề của kinh tế Trung Quốc, tìm cách thông qua xung đột thương mại để chặn đứng sự tiến bộ công nghệ và nâng cấp ngành nghề của Trung Quốc.
Nguyên nhân sâu xa nhất là chính phủ Mỹ cảm nhận được sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, tìm cách thông qua xung đột thương mại để ngăn chặn sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, duy trì lâu dài địa vị bá chủ toàn cầu của kinh tế Mỹ. Hiện nay, ở Trung Quốc có một quan điểm cho rằng xung đột thương mại Trung - Mỹ vốn là điều có thể tránh khỏi, nếu như chính phủ Trung Quốc tiếp tục kéo dài sách lược "giấu mình chờ thời", tránh tiến hành đối kháng với Mỹ trong cộng đồng quốc tế và ở cấp độ đa phương, thì Trung Quốc có thể sẽ không trở thành cái gai trong mắt của Mỹ.
Loại quan điểm này có tính hợp lý nhất định, nhưng lại có thể đã đánh giá thấp tính tất yếu của xung đột thương mại Trung - Mỹ. Trên thực tế, trong một thế kỷ qua, là bá chủ toàn cầu, Mỹ luôn cảnh giác đối với những quốc gia có thể thách thức địa vị của họ, dốc hết sức lực để tiến hành chèn ép.
Loại chèn ép này có liên quan đến thể chế kinh tế và ý thức hệ, nhưng ở mức độ lớn hơn lại chủ yếu tùy thuộc vào so sánh thực lực tương đối giữa hai nước. Ngoài việc sẽ tấn công đối thủ trên phương diện thể chế kinh tế và ý thức hệ, Mỹ cũng sẽ tấn công đồng minh của mình.
Chính như dự đoán của lý thuyết quan hệ quốc tế của chủ nghĩa hiện thực, giữa những nước lớn cũ và những nước lớn mới nổi chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, bất luận hai nước có sự tương đồng hay khác biệt về thể chế kinh tế và ý thức hệ.
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, những nước hoặc nhóm nước có thể thách thức địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cơ bản trước sau có Đức, Liên Xô, EU và Nhật Bản. Đức bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ động kết thúc con đường thách thức bá chủ.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, giữa Mỹ và Liên Xô đã tiến hành Chiến tranh Lạnh kéo dài, mãi cho đến khi Liên Xô sụp đổ. Trong khi đó, một khi thực lực kinh tế của EU và Nhật Bản có thể đe dọa Mỹ, Mỹ cũng đã phát động chiến tranh thương mại giữa hai bên.
Thông qua chiến tranh thương mại Mỹ - Âu và chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật, Mỹ đều đã kiềm chế được tăng trưởng nhanh về kinh tế của đối phương ở mức độ nhất định.
Điều gây ấn tượng đặc biệt sâu sắc là chiến tranh thương mại Mỹ - Nhật vào thập niên 1980. Năm 1985, chính phủ Nhật Bản buộc phải ký kết thỏa thuận Plaza Accord, đồng ý thông qua tăng giá mạnh đồng Yên trước đồng USD để thu hẹp xuất siêu thương mại của Nhật Bản với Mỹ.
Để đối phó ảnh hưởng bất lợi từ tăng giá mạnh đồng bản tệ đối với tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thực hiện chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, cuối cùng đã dẫn đến bong bóng bất động sản và bong bóng thị trường chứng khoán to lớn.
Sau khi hai bong bóng này liên tiếp bị vỡ vào đầu thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào 3 thập niên sa sút. Vì vậy, nói sự kết thúc thời đại tăng trưởng mạnh của Nhật Bản bắt đầu từ năm 1990, không bằng nói bắt đầu từ thỏa thuận Plaza Accord năm 1985.
Từ sau khi quy mô kinh tế Trung Quốc (GDP) vượt qua Nhật Bản trong thời gian nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự trỗi dậy nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc đã gây cảnh giác cho chính phủ Mỹ.
Trên thực tế, thời cơ xảy ra chuyển biến to lớn về chính sách tổng thể đối với Trung Quốc của chính phủ Mỹ hoàn toàn không phải xảy ra sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, mà là xảy ra trong thời gian nhậm chức của Tổng thống Barack Obama.
Trong thời gian cầm quyền của chính quyền Barack Obama, ít nhất có hai hành động chiến lược quan trọng nhằm vào Trung Quốc.
Một là chính quyền Barack Obama thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, ý đồ của chiến lược này là ngăn chặn vai trò ảnh hưởng tăng lên của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhất là khu vực Biển Đông.
Hai là chính quyền Barack Obama ra sức thúc đẩy hai sáng kiến TPP và TTIP với ý đồ xây dựng lại một bộ quy tắc thương mại, đầu tư quốc tế có tiêu chuẩn cao hơn trên cơ sở WTO, loại Trung Quốc ra ngoài.
Những hành động nói trên của chính quyền Barack Obama có nghĩa là chiến lược tổng thể của Mỹ đối với Trung Quốc đã từ "tiếp xúc" (engagement) chuyển sang "ngăn chặn" (containment). Còn chiến tranh thương mại Trung - Mỹ do chính quyền Donald Trump phát động thực ra là sự tiếp tục (chứ không phải phủ định) chiến lược đối với Trung Quốc của chính quyền Barack Obama.
Trên thực tế, cho dù không phải là ông Donald Trump lên cầm quyền, mà là bà Hillary Clinton lên nắm quyền, chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc e rằng cũng sẽ không thay đổi
Những phân tích trên đây có nghĩa là cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, xung đột giữa nước lớn cũ (Mỹ) và nước lớn mới trỗi dậy (Trung Quốc) không thể tránh khỏi. Cho dù xung đột này không biểu hiện bằng hình thức chiến tranh thương mại thì cũng sẽ biểu hiện bằng hình thức xung đột khác.
Điều này có nghĩa là xung đột thương mại Trung - Mỹ chắc chắn sẽ kéo dài và ngày càng phức tạp, khả năng đạt được thỏa thuận cả gói để giải quyết thỏa đáng trong ngắn hạn là rất thấp.
Đối với Trung Quốc, vấn đề rất quan trọng là phương thức ứng phó với xung đột thương mại Trung - Mỹ.
Về tổng thể, chính phủ Trung Quốc cần thông qua đẩy nhanh cải cách mở cửa, chứ không phải đóng cửa, dựa vào hợp tác đa phương chứ không phải đối đầu song phương đơn thuần để ứng phó với xung đột thương mại Trung - Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cần dựa vào kế hoạch dự định để tiếp tục thúc đẩy cải cách cơ cấu trong nước và phòng ngừa rủi ro tài chính mang tính hệ thống, chứ không nên để tác động bên ngoài của xung đột thương mại Trung - Mỹ làm loạn nhịp.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã đạt được thành ích to lớn trong 10 năm qua, nhưng từ năm 2008 đến nay hầu như các loại chỉ số phản ánh hiệu suất tăng trưởng kinh tế (chẳng hạn tốc độ tăng trưởng năng suất lao động, năng suất của tổng các yếu tố, năng suất đầu tư của doanh nghiệp tư nhân) đều đang tiếp tục giảm đi.
Trong bối cảnh hiệu suất tăng trưởng kinh tế tiếp tục đi xuống, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, có nghĩa là đã đầu tư nhiều nguồn lực hơn. Mô hình này chắc chắn không thể tiếp tục. Ngoài ra, tỉ lệ lợi nhuận của đầu tư thực suy giảm cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho tài chính có vấn đề trong vài năm qua. Chỉ có cải cách cơ cấu thì mới có thể tiếp tục nâng cao hiệu suất tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận đầu tư thực.
Trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 bốn năm trước, chính phủ khóa này đã đưa ra bản kế hoạch to lớn cho cải cách cơ cấu. Chẳng hạn, cải cách doanh nghiệp nhà nước tập trung vào chế độ sở hữu hỗn hợp, cải cách ruộng đất tập trung vào chuyển đổi quyền sử dụng, cải cách tài chính tập trung vào thị trường hóa và mở cửa, mở cửa ngành dịch vụ với nguồn vốn tư nhân.
Vài năm qua, nhịp độ cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách ruộng đất và mở cửa ngành dịch vụ rõ ràng chậm hơn nhịp độ cải cách tài chính, đây vừa là nguyên nhân dẫn đến tài chính không hiệu quả và lành mạnh, vừa là nguyên nhân làm cho rủi ro tài chính mang tính hệ thống tăng lên.
Vì vậy, từ cuối năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực tăng cường giám sát, quản lý tài chính. Nếu không có gì ngoài ý muốn, sau khi rủi ro tài chính mang tính hệ thống cơ bản được kiểm soát, cải cách cơ cấu sẽ triển khai đúng hạn.
Tuy nhiên, xung đột thương mại Trung - Mỹ trầm trọng lên khiến cho môi trường bên ngoài của kinh tế Trung Quốc xấu đi rõ rệt. Một mặt, xung đột thương mại Trung - Mỹ sẽ làm giảm xuất siêu thương mại của Trung Quốc, tiến tới ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế; mặt khác, xung đột thương mại Trung - Mỹ cũng đã làm suy yếu lòng tin của các nhà đầu tư, khiến cho thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm rõ rệt.
Nói cách khác, xung đột thương mại Trung - Mỹ trầm trọng hơn làm cho tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính của Trung Quốc đều đối mặt với tác động tiêu cực. Đây chính là nguyên nhân Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô từ quý 2 năm 2018.
Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn mới. Trên cơ sở môi trường bên ngoài xấu đi rõ rệt, mục tiêu phải đồng thời thực hiện kiểm soát rủi ro và ổn định tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc trở nên ngày càng khó khăn.
Đại sứ Trung Quốc: Mỹ nên từ bỏ ảo tưởng Trung Quốc sẽ bỏ cuộc
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải bất ngờ phát ngôn cứng rắn về thương mại và nói chính quyền Tổng thống Donald ... |
Trump ra đòn quyết định dìm Trung Quốc: Nỗi ám ảnh 100 năm hiện về
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại ẩn chứa nhiều nỗi lo hơn là cơ hội. Gần ... |