Trung Quốc vi phạm các công ước quan trọng của Liên Hợp Quốc

“Việc Trung Quốc tái diễn vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông đã vi phạm tới quyền quốc gia được quy định trong công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng như vi phạm Điều 21, Công ước Vienna về Điều ước quốc tế năm 1969” - Thạc sĩ Hoàng Việt - Giảng viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - nhận định.

Thưa ông, ông nhận định thế nào về việc mới đây Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 trở lại xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam?

- Lô 06-01 ở khu vực bể Nam Côn Sơn mà Việt Nam đang chuẩn bị cho khai thác nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc tàu thăm dò của Trung Quốc ngang nhiên đi vào khu vực này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Lý do lớn nhất là Trung Quốc muốn duy trì trên thực tế cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm chiếm khoảng 80% Biển Đông, ăn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Một mặt, Trung Quốc muốn biến “đường lưỡi bò” thành thực tế dù yêu sách “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý nào và đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ năm 2016. Mặt khác, Trung Quốc muốn đưa phương án gác tranh chấp cùng khai thác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đương nhiên, các quốc gia sẽ không thể chấp nhận chuyện này được.

Xin ông cho biết những căn cứ pháp lý nào cho thấy Trung Quốc đang có hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng biển này?

- Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ký kết năm 1982 và có hiệu lực năm 1984 được coi là hiến pháp về biển và đại dương trên thế giới. UNCLOS quy định rất rõ về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Theo đó, một quốc gia ven biển sẽ có các vùng biển tương ứng, trong đó, vùng đặc quyền kinh tế là 200 hải lý kể từ đường cơ sở, vùng thềm lục địa có thể kéo dài tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

Như vậy, lô 06-01 mà tàu Trung Quốc vào thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý của Việt Nam và hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chiểu theo Điều 56 và điều 77 của UNCLOS thì đặc quyền thăm dò, khai thác tất cả các tài nguyên sinh vật và không sinh vật (gồm dầu mỏ, khí đốt…) chỉ thuộc về Việt Nam. Nếu các quốc gia khác muốn thăm dò tại đây phải được sự đồng ý bằng văn bản của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thăm dò khu vực này rõ ràng không có sự đồng ý của chính phủ Việt Nam. Cụ thể, chính phủ Việt Nam đã lên tiếng phản đối chính thức.

Như vậy, hành động này của Trung Quốc đã vi phạm tới quyền của quốc gia được quy định trong UNCLOS. Thêm nữa, hành động này của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 21, Công ước Vienna về Điều ước quốc tế năm 1969 - một công ước quan trọng khác của Liên Hợp Quốc - quy định các thành viên Liên Hợp Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các cam kết quốc tế, trong đó có các công ước mà các nước này tham gia.

Theo ông, Việt Nam cần làm thêm gì ngoài các hoạt động tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, vận dụng UNCLOS, kiên trì đấu tranh ở thực địa?

- Việt Nam phải dùng các biện pháp hòa bình, điều đã được quy định trong khoản 4 Điều 2 của Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Trong Điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng liệt kê một số biện pháp có thể sử dụng và Việt Nam cũng đã sử dụng như đàm phán trực tiếp, thương lượng, kêu gọi hoạt động ngoại giao và có thể xem xét đến các biện pháp pháp lý như khởi kiện ra tòa án quốc tế.

Đây là những biện pháp cơ bản và đương nhiên Việt Nam phải giữ vững mặt trận trên thực địa, phải luôn có lực lượng chấp pháp xuất hiện buộc Trung Quốc phải rút lui. Việt Nam phải đứng vững, không lùi bước, không nhân nhượng, tránh việc bỏ lơ và tái diễn trường hợp như bãi cạn Scarborough của Philippines. Với bãi cạn Scarborough năm 2012, Philippines không kiểm soát được tình hình và cuối cùng nhường quyền kiểm soát trên thực tế cho các tàu Trung Quốc. Đó là sự việc rất nguy hiểm.

Một biện pháp quan trọng mà Việt Nam vẫn luôn đề cập là sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Muốn có được điều này, Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời hơn để cộng đồng quốc tế nắm rõ.

trung quoc vi pham cac cong uoc quan trong cua lien hop quoc Tổng thống Duterte: Không nói về phán quyết Biển Đông đừng hội đàm
trung quoc vi pham cac cong uoc quan trong cua lien hop quoc Trump: Tôi là “người được chọn” cho cuộc thương chiến với Trung Quốc
trung quoc vi pham cac cong uoc quan trong cua lien hop quoc 'Trung Quốc muốn được tôn trọng thì phải biết tôn trọng nước khác'
 

/ laodong.vn