Bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tranh giành lợi thế về quân sự và kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ xuất hiện gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia để tỏ thái độ phản đối sự đe dọa của Trung Quốc với Malaysia
Tăng chi phí quốc phòng, dùng công cụ kinh tế để gây sức ép
Hôm 30-5, tờ The Economics Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tuyên bố nước này đang cho vận hành thử nghiệm tàu sân bay Sơn Đông tự đóng nhằm kiểm tra hệ thống vũ khí và các thiết bị trên tàu, tăng cường huấn luyện và cải thiện khả năng tác chiến của binh sĩ. Trước đó hồi đầu tháng 4-2020, tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 chiến hạm khác của Trung Quốc cũng đã diễn tập ở vùng biển phía đông và nam của Đài Loan.
Với sự trỗi dậy nhanh chóng của sức mạnh kinh tế trong những năm gần đây, Trung Quốc đang mạnh tay chi cho lĩnh vực quốc phòng với ý đồ tăng sức cạnh tranh ở các “điểm nóng” trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từng bước gạt ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi khu vực. Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những nước có mức chi quốc phòng hàng đầu thế giới khi luôn duy trì ngân sách quốc phòng ở mức hai con số, cao nhất vào năm 2011 khi chiếm tới 12,7% GDP.
Bất chấp nền kinh tế bị thiệt hại nặng vì dịch Covid-19 cũng như tổn thương do cuộc chiến thương mại với Mỹ, tuần trước, Quốc hội Trung Quốc vẫn thông qua ngân sách quốc phòng lên tới 178,2 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm ngoái. Mức tăng này tuy giảm so với mức tăng 7,5% của năm 2019, song vẫn là một con số đáng kể.
Với sức mạnh đang lên, Trung Quốc bắt đầu tăng cường “khoe cơ bắp”. Mới đây, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận mô phỏng những cuộc đối đầu trực tiếp với máy bay và chiến hạm nước ngoài ở Biển Đông. Tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận bao gồm việc đuổi máy bay nước ngoài ra khỏi không phận Trung Quốc. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu mục tiêu của cuộc diễn tập là nhằm vào Mỹ.
Trong khu vực, Indonesia là quốc gia đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19 đối mặt với sự cưỡng ép của Trung Quốc, khi hàng chục tàu cá Trung Quốc cùng với các tàu tuần duyên hộ tống hồi cuối năm ngoái đi vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Tiếp đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, tàu chiến Trung Quốc thì chĩa pháo vào tàu tuần tra của Philippines trên Biển Đông. Giữa tháng 4-2020, tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, bám theo đuôi tàu West Capella, một tàu thăm dò làm việc theo hợp đồng với công ty dầu khí quốc gia Malaysia - Petronas.
Không chỉ gây sức ép về quân sự, Trung Quốc còn dùng công cụ kinh tế để áp đặt tham vọng của mình. Bởi sự ràng buộc về lợi ích kinh tế với đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất là Trung Quốc, Malaysia thường không nhấn mạnh vào vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Dù đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc hồi năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hầu như cũng không đề cập đến phán quyết của tòa. Trung Quốc cũng ứng xử ngày càng cứng rắn với các nước được cho là làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh, điển hình là động thái áp thuế chống bán phá giá hơn 80% đối với sản phẩm lúa mạch Australia nhập khẩu vì nước này thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.
Trung Quốc leo thang căng thẳng nghiêm trọng trên Biển Đông
Rõ ràng, việc Trung Quốc từng bước khẳng định ưu thế về quân sự và kinh tế trong khu vực dẫn đến thực tế nước này sẵn sàng thách thức các nước khác mà không ngại bị trả đũa. Hành vi gây hấn của Bắc Kinh không mới nhưng theo bài viết của tác giả Suyash Desai trên tờ The Diplomat “không giống trước đây, lần này, Trung Quốc tham gia với tất cả các bên trong khu vực và liên khu vực cùng lúc ở Biển Đông và Hoa Đông”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc hiện dựa vào cả 3 công cụ là quân sự, dân sự và ngoại giao để chuyển tiếp những yêu sách chủ quyền với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông. Chính vì thế, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần cùng nhau lên tiếng phản đối để tạo sức ép ngoại giao, chính trị kiềm chế Trung Quốc.
Ông Richard Heydarian, chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines, cho rằng: “Trước những hành động của Bắc Kinh có thể gây bất ổn cả khu vực, đã đến lúc các nước ASEAN cần đưa ra một tuyên bố chung đa phương để phản đối”.
Tương tự, chuyên gia Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đưa ra giải pháp: “Các nước trong khu vực phải cùng nhau lên tiếng để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những hành vi của Trung Quốc. Từ đó hình thành nên một số sức ép ngoại giao, chính trị để Bắc Kinh ngưng tiếp diễn các hành động trên”.
Ông Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, thì kêu gọi nước này cùng với Việt Nam và Malaysia nên tổ chức tuần tra chung để đối phó tình trạng Trung Quốc leo thang căng thẳng nghiêm trọng ở Biển Đông. Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do Hội Nhà báo nước ngoài ở Philippines tổ chức, ông Antonio Carpio cho rằng hải quân của 3 nước có thể tuần tra chung trong lãnh hải của mỗi nước và điều này sẽ gửi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng “Trung Quốc không thể loại chúng tôi theo từng quốc gia một. Chúng tôi đoàn kết”.
Với các nước ngoài khu vực nhưng cũng có lợi ích như về tự do hàng hải ở Biển Đông, các chuyên gia cho rằng có thể can dự bằng nhiều cách. Đô đốc James Stavridis, cựu Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu và Hiệu trưởng Trường luật và ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts cho rằng Mỹ nên tìm cách dàn trận dựa trên sự lên án ngoại giao của tất cả các quốc gia trên Biển Đông cộng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Ông James Stavridis cũng cho rằng cần có thêm các cuộc tuần tra hàng hải của không chỉ Mỹ mà cả các nước khác, kể cả các quốc gia NATO như Anh và Pháp.
Trung Quốc tìm mọi cách tranh giành để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tranh giành lợi thế về quân sự và ... |
Trung Quốc sắp công bố vùng nhận dạng phòng không phi pháp ở Biển Đông?
Nguồn tin giấu tên từ quân đội Trung Quốc nói Bắc Kinh đang chờ thời điểm thích hợp để thông báo kế hoạch vùng nhận ... |