Các nhà khoa học Trung Quốc phát triển drone dưới nước tầm xa có hình dáng giống ngư lôi và khả năng lặn sâu 2.000 m.
Mẫu drone trang bị trí tuệ nhân tạo và nhiều cảm biến. Ảnh: SCMP. |
Phương tiện dưới nước tự động (AUV) mang tên Sea-Whale 2000 đã hoàn thành đợt thử nghiệm kéo dài 37 ngày liên tiếp ở Biển Đông trên quãng đường 2.011 km, theo thông báo hôm 5/11 của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Mẫu drone hình ngư lôi dài khoảng ba mét và nặng 200 kg, trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và hàng loạt cảm biến để phát hiện nhiệt độ, độ mặn, dòng hải lưu, dấu vết hóa học, hoạt động sinh học và quan sát dưới nước. Nó có thể lặn sâu 2.000 m bên dưới mặt nước và chạy hành trình ở tốc độ 1,2 mét/giây.
"Chúng tôi phát triển Sea-Whale 2000 nhằm đáp ứng những nhu cầu khảo sát di động ở vùng biển sâu về lâu dài tại khu vực Biển Đông", tiến sĩ Huang Yan ở Viện robot thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Liêu Ninh, chia sẻ.
Theo nhóm thiết kế, mẫu drone có thể thực hiện nhiệm vụ kéo dài hàng tuần chỉ với một lần phóng và hoàn thành nhiều công việc. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ tại sao Trung Quốc chế tạo drone dưới nước dành riêng cho khu vực Biển Đông.
Sea-Whale 2000 không phải mẫu AUV có tầm hoạt động dài nhất thế giới. Mẫu drone Autosub Long Range, biệt danh Boaty McBoatface của Anh, có tầm hoạt động 6.000 km và thời gian hoạt động liên tục 6 tháng. Trung Quốc đang chạy đua phát triển tàu ngầm không người lái và nằm trong số những nước đầu tiên đưa công nghệ này vào sử dụng.
Để mở rộng tầm hoạt động của mẫu drone, tiếng sĩ Huang và cộng sự tạo ra một bộ khung lai cho phép phương tiện vận hành ở các chế độ khác nhau nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng. Sea-Whale 2000 có thể chạy hành trình như tàu ngầm thông thường, lượn lên và xuống mặt nước, hoặc cưỡi sóng giống như chai lọ trôi dạt. Mẫu drone sử dụng bộ xử lý trung tâm từ STMicroelectronics, công ty bán dẫn tại châu Âu, và liên lạc qua mạng lưới vệ tinh toàn cầu do công ty Mỹ Iridium Communications điều hành.
Giáo sư Liu Xiaoshou, nhà khoa học đời sống hải dương ở Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết cảm biến sinh học trên Sea-Whale 2000 có thể thu thập dữ liệu về sinh thái như tảo nở hoa. Tổng hợp thông tin từ những cảm biến khác, nhóm nghiên cứu có thể dựng lại quá trình tiến hóa của các hệ thống sinh học ở quy mô lớn hơn.
Phần lớn công việc thu thập dữ liệu vẫn được tiến hành bởi con người trong các hành trình nghiên cứu tốn kém, mất thời gian và chịu ảnh hưởng từ thời tiết. Theo giáo sư Liu, việc ứng dụng drone trên quy mô lớn có thể không diễn ra ngay lập tức bởi công nghệ mới cần nhiều thời gian để hoàn thiện. Dữ liệu do drone thu thập cần được so sánh cẩn thận với dữ liệu từ các phương pháp khác để quyết định chất lượng và độ chính xác.
An Khang (Theo SCMP)