Trung Quốc tăng tốc đầu tư FDI vào Việt Nam

Không chỉ là đối tác thương mại lớn bậc nhất của Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đang tăng tốc đầu tư vào nước ta, trong đó có sự hiện diện của nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện-điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện...

Dẫn đầu về số dự án đầu tư mới tại Việt Nam

Trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đang có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,6 tỷ USD.

Đồng vốn FDI từ Trung Quốc đang dần tăng tốc đầu tư vào Việt Nam

Đồng vốn FDI từ Trung Quốc đang dần tăng tốc đầu tư vào Việt Nam

Đáng chú ý, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh, đạt 4,47 tỷ USD trong năm 2023 và 1,524 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.

Nếu xét về tổng vốn đầu tư, Singapore vẫn đang dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 2,19 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,7%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,5%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 26%).

Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Ngoài ra, 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam.

Đáng chú ý, dòng đầu tư FDI của Trung Quốc đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn BOE Bắc Kinh mới đây đã đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng vốn 277,5 triệu USD, chuyên lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bo mạch… dự kiến hoạt động năm 2026. Năm 2019, BOE Bắc Kinh cũng đưa vào hoạt động nhà máy ở Đồng Nai.

Bình Dương là địa phương thu hút mạnh đầu tư vốn FDI trên cả nước, trong đó Trung Quốc nhiều nhất với hơn 1.660 dự án, tổng vốn trên 10 tỷ USD (tính cuối năm nay). Tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quý đầu năm 2024, có hơn một nửa với 60 dự án là của nhà đầu tư Trung Quốc.

Thành phố Hải Phòng xác định Trung Quốc là thị trường ưu tiên hàng đầu, trọng điểm và chiến lược trong quá trình hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư. Đến nay, Hải Phòng đã có 405 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt 6,14 tỷ USD (bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện, Hải Phòng có 2 khu công nghiệp được đầu tư bởi nhà đầu tư Trung Quốc là Khu công nghiệp An Dương do Tập đoàn Thâm Quyến Holdings làm chủ đầu tư và Khu công nghiệp Đồ Sơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc hàng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Chuyển hướng sang công nghệ, kỹ thuật cao

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều tích cực dễ nhận thấy nhất là vốn FDI từ Trung Quốc có sự xuất hiện tên tuổi nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện-điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện. Thực tế cho thấy, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, vốn FDI Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ôtô, năng lượng xanh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, đáp ứng các điều kiện giúp nhà đầu tư tối ưu chi phí vận chuyển, kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Đến nay, nhiều dự án công nghiệp, công nghệ trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới cả tỷ USD từ Trung Quốc như Goertek, BYD, Radian, Brotex, Wingtech, Deli, Trina Solar… đã có mặt tại Việt Nam. Gần đây nhất là dự án liên doanh với Tập đoàn Geleximco, sản xuất xe điện Omoda và Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) trị giá hơn 800 triệu USD.

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ngày 13-8 vừa qua đã tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Si Zhong Wu, Giám đốc Goldwind International Đông Nam Á, đại diện các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện cho tuabin điện gió tại Trung Quốc, cho biết Goldwind thuộc tốp 3 các nhà sản xuất tuabin gió của thế giới, cung cấp hơn 47.000 tuabin gió với tổng công suất lắp đặt toàn cầu vượt quá 97 GW. Dịp này, đoàn muốn khảo sát và chọn địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp tuabin điện gió công nghệ cao tại Khu phi thuế quan, logistics và công nghiệp Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng.

Hiện nay, dư địa đầu tư công nghiệp, công nghệ, kỹ thuật của Trung Quốc tại Việt Nam còn rất nhiều, đặc biệt là những dự án lớn, trọng điểm.

Dòng vốn FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam ngày càng tăng bởi những lợi thế từ thị trường nội địa với nước này. Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn do cạnh tranh thương mại với Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường Mỹ, châu Âu giảm nhiều từ trong và sau đại dịch, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Trong khi đó, Việt Nam nằm ngay bên cạnh, có mối quan hệ kinh tế thương mại với thế giới rất tốt, ưu đãi về thuế quan qua các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết là lợi thế lớn để xuất khẩu hàng hóa.

Do vậy, đầu tư vào Việt Nam là tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất, thông qua đó tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh tại thị trường này. Việt Nam với vị trí địa lý thuận tiện, chi phí nhân công tương đối rẻ so trong nước, chi phí thuê đất không cao, ưu đãi thuế… sẽ là các yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước này. Việt Nam còn có lợi khi có nguồn nguyên vật liệu được đầu tư sản xuất tại chỗ, xuất khẩu hưởng giá trị gia tăng từ đây.

Về xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều tích cực là cùng với việc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, đã xuất hiện nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ôtô điện, pin điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tài chính xanh, đô thị thông minh, khu công nghiệp sinh thái, khu thương mại tự do…

 

https://www.anninhthudo.vn/trung-quoc-tang-toc-dau-tu-fdi-vao-viet-nam-post586573.antd

HOÀNG HÀ / anninhthudo.vn