Trung Quốc siết quy định nhập lương thực: Mỹ, Anh, Nhật lo ngại

Nhiều nước lo ngại các quy định nhập khẩu lương thực mới của Trung Quốc, cho rằng các biện pháp này có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ vừa gửi thư lên Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phản đối một số quy định được ban hành hồi tháng 4 khi đòi hỏi các nhà nhập khẩu thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về đăng ký, kiểm tra và tem nhãn mới trước ngày 1/1/2022.

“Việc GACC đưa ra các quy định này còn thiếu rõ ràng. Các sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ sớm được vận chuyển, do đó, nghị định 248 và 249 có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và trì hoãn cung cấp thực phẩm vào Trung Quốc”, SCMP dẫn nội dung thư quan chức ngoại giao các nước gửi GACC cho hay.

Trung Quốc siết quy định nhập lương thực: Mỹ, Anh, Nhật lo ngại - 1
Mua sắm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại cửa hàng ở Bắc Kinh. (Ảnh: EPA-EFE)

GACC ban hành hành Nghị định 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Nghị định 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, có hiệu lực từ 01/01/2022.

Theo quy định mới, các doanh nghiệp phải đăng ký các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc theo Luật an toàn thực phẩm (ATTP) và Luật an toàn sinh học (ATSH) mới. Những doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc phải tuân thủ những quy định mới nói trên. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp có thể bị loại khỏi danh sách xuất khẩu.

Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, EU và Thụy Sĩ đã đề nghị GACC trì hoãn các biện pháp nhập khẩu thực phẩm trong "ít nhất 18 tháng". Tuy nhiên, GACC và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chưa có phản hồi về vấn đề này.

Hiện các tàu chở lương thực của nhiều nhà cung cấp nước ngoài chuẩn bị rời cảng để đến Trung Quốc song không biết những lô hàng này có được Trung Quốc tiếp nhận hay không. Tranh cãi xảy ra vào thời điểm thế giới đang gặp phải những ùn tắc vận chuyển lớn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và những biến động liên quan trong nền kinh tế toàn cầu.

/ vtc.vn