Trung Quốc sẽ đưa tàu hải tuần 10.000 tấn tới Biển Đông

Tàu Hải tuần 09 với lượng giãn nước 10.000 tấn sẽ được Trung Quốc biên chế giữa năm nay và dự kiến triển khai tới Biển Đông.

Tàu hải tuần này sẽ tiến hành các nhiệm vụ tuần tra và hỗ trợ khẩn cấp tại Biển Đông, cũng như tham gia ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thuyền trên biển gây ra, Phó cục trưởng Cục Hải sự Quảng Đông Lâm Khuê cho biết trong họp báo ngày 12/1.

Đây là tàu hải tuần đầu tiên của Trung Quốc có lượng giãn nước 10.000 tấn được chế tạo nội địa. Hải tuần 09 được kỳ vọng sẽ "tăng cường khả năng chủ động kiểm soát giao thông hàng hải và hỗ trợ khẩn cấp" tại tỉnh Quảng Đông, "đảm bảo an toàn và thông thoáng của các tuyến giao thông hàng hải ở Biển Đông" và "nâng cao năng lực quản lý giao thông và bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc", theo thông cáo của Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông.

Trung Quốc tuyên bố tàu Hải tuần 09 có khả năng "đi vòng quanh thế giới" và cho phép Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế.

0304 556318717206a hai tuan 09 7228 1610685186
Tàu Hải tuần 09 trong lễ hạ thủy tại xưởng của Nhà máy Đóng tàu Hoàng Bộ Văn Xung ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tháng 9/2020. Ảnh: Paper.

Hải tuần 09 có lượng giãn nước 10.700 tấn, dài 165 m và đạt tốc độ 25 hải lý/h (43 km/h). Con tàu có thể chở nhiều loại trực thăng phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cũng như trang bị trung tâm dữ liệu hàng hải để thu thập thông tin, giám sát hoạt động trên biển.

Các tàu hải tuần trong biên chế cơ quan hải sự Trung Quốc hiện nay chủ yếu có lượng giãn nước 1.583-5.418 tấn. Giới chuyên gia nhận định Hải tuần 09 có thể chở nhiều thủy thủ, chuyên viên và thiết bị hơn các mẫu tàu trong biên chế hiện nay của Cục Hải sự Trung Quốc.

Các dự án đóng tàu tuần tra dân sự cỡ lớn là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường hiện diện của lực lượng phi hải quân tại Biển Đông, phục vụ tham vọng độc chiếm vùng biển này, bất chấp luật pháp quốc tế.

Trung Quốc trong những năm qua ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép, đẩy mạnh hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.

Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.

Nguyễn Tiến (Theo GlobalTimes)

Bước leo thang của Trung Quốc làm “dậy sóng” Biển Đông Bước leo thang của Trung Quốc làm “dậy sóng” Biển Đông

Việc Trung Quốc lần đầu triển khai máy bay vận tải hạng nặng lớn nhất của quân đội nước này tới sân bay trên đảo ...

/ vnexpress.net