Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất thập kỷ

Đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu than trên diện rộng. Than được sử dụng để tạo ra khoảng 70% điện năng ở Trung Quốc.

Cuối năm 2020, Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia vì căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong khi đó, mùa đông lạnh kỷ lục đã làm gia tăng nhu cầu về than.

Vào tháng 12/2020, giá than nhiệt (được sử dụng để sản xuất điện) trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng 40% so với một năm trước đó lên khoảng 777 NDT/tấn (119,53 USD/tấn).

Thiếu than đá đẩy Trung Quốc đến cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng
Thiếu than đá đẩy Trung Quốc đến cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng

Cuối năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon vào năm 2030. Nhưng khi Bắc Kinh cố gắng chuyển sang năng lượng tái tạo, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã ập đến trung tâm thủy điện của tỉnh Vân Nam.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 7 và tháng 8, năng lượng tạo ra từ nước đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Năng lượng tạo ra từ gió tăng 7% trong tháng 8, giảm từ mức 25,4% của tháng 7.

Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng than để sản xuất điện. Theo dữ liệu của Wind, tốc độ gia tăng của mức tiêu thụ điện hàng năm tại nước này đã tăng lên mốc cao nhất trong vòng 10 năm.

Thêm vào đó, các nhà máy cũng cần nhiều điện hơn để gấp rút thực hiện những đơn hàng trên toàn cầu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Sự phục hồi của Trung Quốc sau cú sốc kinh tế do đại dịch phụ thuộc quá nhiều vào xây dựng và công nghiệp nặng, khiến nhu cầu than tăng 11% trong nửa đầu năm 2021.

Hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc đã cắt giảm điện trong vài tuần qua, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người.

Thang máy tắt, giờ mở cửa của các cửa hàng rút ngắn và các nhà máy phải giảm ngày hoạt động cũng như tiêu thụ điện năng. Một số tỉnh trải qua tình trạng mất điện hoàn toàn. Trong khi đó, vào tháng 9, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến ​​sản lượng công nghiệp giảm kể từ khi bắt đầu phục hồi sau phong tỏa COVID-19.

Đây là cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong một thập kỷ. Hiện các nhà máy điện than Trung Quốc cạn kiệt nguồn cung trong nhiều tháng. Dự trữ than được báo cáo tại các nhà máy điện lớn bắt đầu giảm xuống dưới mức trung bình một năm trước và vào cuối tháng 8 đã giảm 37% so với cùng thời điểm năm ngoái, theo dữ liệu từ Wind Financial Terminal.

Tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết mức phát thải carbon của nước này sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030, hướng đến đạt được tình trạng trung hòa carbon (lượng thải ra bằng lượng hấp thụ) vào 4 thập kỷ sau – năm 2060.

Tuy nhiên, trong thời gian này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng thể hiện rõ rằng phát triển kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu – Bắc Kinh có mục tiêu tăng trưởng GDP 6% vào năm 2021, mức độ mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề mang tính dài hạn như nợ. Sự phát triển kinh tế này đang phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng than.

Chính phủ Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng carbon trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia 20%, từ giờ đến năm 2025. Nhưng theo các nhà phân tích, giảm giá năng lượng tái tạo là không đủ để tạo nên làn sóng chuyển đổi lớn cho các ngành công nghiệp.

PV (t/h)

Mục tiêu năng lượng tham vọng, Trung Quốc vẫn ‘không còn lựa chọn’ ngoài than? Mục tiêu năng lượng tham vọng, Trung Quốc vẫn ‘không còn lựa chọn’ ngoài than?
Vì sao Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP? Vì sao Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP?

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống