- Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu bệnh viện đến Hoàng Sa
- Trung Quốc áp trừng phạt loạt công ty quốc phòng Mỹ
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Arab được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh mang đến cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Arab ở Trung Đông-châu Phi, đồng thời là dịp nước này thúc đẩy một hội nghị quốc tế hướng đến giải pháp hòa bình xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay ở Dải Gaza.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/5 chủ trì Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Arab ở thủ đô Bắc Kinh, sự kiện chứng kiến sự góp mặt của Tổng thống Ai Cập Fattah el-Sisi, Quốc vương Bahrain Sheikh Hamad bin Isa Al-Khalifa, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Tunisia Kais Saied và phái đoàn ngoại giao một loạt nước thành viên Liên đoàn Arab (AL).
Theo Tân Hoa xã, diễn đàn có nội dung thảo luận chính là tìm giải pháp tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa Trung Quốc và các nước Arab; đồng thời thúc đẩy biện pháp hòa bình xử lý cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza.
Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Arab, được thành lập năm 2004, là cơ chế đối thoại quy mô lớn nhất giữa nền kinh tế thứ hai thế giới với các nước Arab. Truyền thông Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình tại sự kiện đã khẳng muốn đưa quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước Arab thành “hình mẫu duy trì hòa bình và ổn định” trên thế giới. Trung Quốc cũng nêu 5 khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực đổi mới - sáng tạo; đầu tư tài chính; năng lượng; thúc đẩy quan hệ kinh tế cùng có lợi; và giao lưu nhân dân. “Đối mặt vớ thế giới hỗn loạn, tôn trọng lẫn nhau là cách để sống hòa hợp và sự công bằng là nền tảng của an ninh lâu dài”, Chủ tịch Trung Quốc nêu.
Tại sự kiện ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục thể hiện vai trò trong việc thúc đẩy giải pháp hòa bình xử lý khủng hoảng Israel-Palestine, đồng thời tìm cách chấm dứt xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. Phát biểu trước đại diện các nước Arab, lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh ủng hộ thành lập Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô; nhấn mạnh Palestine cần được trở thành thành viên đầy đủ tại Liên hợp quốc (LHQ). “Khi chiến tranh hoành hành và gây ra nỗi thống khổ, công lý không thể vắng mặt và giải pháp hai nhà nước không thể bị lung lay”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu. Đáng chú ý, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc muốn thúc đẩy một hội nghị hòa bình quốc tế hiệu quả nhằm chấm dứt xung đột Israel-Hamas. Bắc Kinh cũng cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine và như tái thiết Dải Gaza hậu xung đột.
Trung Quốc hiện là đối tác lớn của các nước Arab tại khu vực Trung Đông - châu Phi. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh đạt 286,9 tỷ USD, trong đó Arab Saudi chiếm gần 40%. Trước diễn đàn ngày 30/5, Chủ tịch Trung Quốc đã hội đàm riêng với Tổng thống Ai Cập el-Sissi ở Bắc Kinh, nơi hai lãnh đạo kí loạt thỏa thuận trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhập khẩu thực phẩm. Bắc Kinh những năm qua đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án ở Ai Cập, bao gồm khu kinh tế kênh đào Suez và thủ đô hành chính mới ở Đông Cairo. Cơ quan thống kê nhà nước Ai Cập cho hay, đầu tư song phương giữa Ai Cập và Trung Quốc trong hai năm 2022, 2023 lên tới 30 tỷ USD. Đối với Tunisia, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư, sau Đức, Ý và Pháp. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã kí được nhiều hợp đồng xây dựng hạ tầng chiến lược như cầu và cảng nước sâu bên bờ Địa Trung Hải cho Tunisia. Hợp tác kinh tế Trung Quốc-UAE những năm qua cũng gặt hái nhiều thành tựu thông qua các dự án chung.
Theo Reuters, bên cạnh quan hệ thương mại, Bắc Kinh gần đây cho thấy vị thế ngoại giao ngày một được mở rộng ở Trung Đông. Năm ngoái, Trung Quốc đã môi giới thành công một thỏa thuận giúp hai kình địch là Arab Saudi và Iran tái thiết lập lại quan hệ sau 7 năm căng thẳng. Tháng 4/2024, Bắc Kinh thông báo mời thành công đại diện phong trào Hamas (hiện diện chủ yếu ở Dải Gaza) và phong trào Fatah (hiện diện chủ yếu ở Bờ Tây) của người Palestine vào bàn đàm phán nhằm củng cố đoàn kết giữa các phe phái Palestine, động thái khiến giới quan sát tin rằng sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong nỗ lực xử lý khủng hoảng ở Dải Gaza sẽ mang lại kết quả tích cực. Trên tờ ArabNews, chuyên gia Maria Papageorgiou từ Đại học Exeter (Anh) nhận định, “các ưu tiên của Trung Quốc ở khu vực chủ yếu là về lĩnh vực kinh tế” và nước này trông đợi mở rộng hợp tác thương mại, công nghệ 5G và các sáng kiến đổi mới khác với các đối tác vùng Vịnh. “Tuy nhiên, Bắc Kinh còn muốn thể hiện mình là đối tác đáng tin cậy hơn trong khu vực, một đối tác không can thiệp công việc nội bộ và không gây áp lực lên các quốc gia khác”, chuyên gia Papageorgiou đánh giá.
https://cand.com.vn/Quoc-te/trung-quoc-noi-rong-hop-tac-voi-cac-nuoc-arab-i732869/