Trung Quốc nói sẽ tiếp tục hỗ trợ sự ổn định ở Hong Kong và không cho phép lực lượng nước ngoài can thiệp các vấn đề của thành phố.
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập năm 2018. Ảnh: AFP. |
"Tôi muốn nói rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Hong Kong luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt Luật Cơ bản, Luật Đồn trú từ khi thành phố được bàn giao năm 1997 và nhất mực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hôm 26/7.
Bà Hoa nói rằng lực lượng PLA đồn trú "là trụ cột cho sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong", khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ sự ổn định ở Hong Kong nhưng sẽ không cho phép lực lượng nước ngoài can thiệp vào các vấn đề của đặc khu.
Bình luận của bà Hoa được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về việc Trung Quốc điều động quân đồn trú ở Hong Kong để đối phó các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 24/7 nói rằng việc người biểu tình đập phá Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong đã thách thức chính quyền trung ương và ám chỉ khả năng PLA có thể được điều động theo Luật Đồn trú.
Dù các nhà phân tích nói rằng triển vọng can thiệp quân sự là rất khó xảy ra, bình luận của ông Ngô Khiêm khiến công chúng Hong Kong lo ngại PLA có thể thay đổi phương thức hiện diện ở thành phố. Charles Li Xiaojia, người đứng đầu sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, phản đối sự can thiệp của quân đội Trung Quốc, cho rằng PLA không nên làm công việc của cảnh sát Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết Washington lo ngại về tuyên bố của chính phủ Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật Cơ bản để cho phép Hong Kong duy trì mức độ tự chủ cao. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng kêu gọi Trung Quốc "làm những điều đúng đắn" để xử lý các cuộc biểu tình ở Hong Kong và tất cả các bên kiềm chế không sử dụng bạo lực.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bắt đầu từ 9/6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc. Biểu tình đa phần ôn hòa, nhưng đôi lúc trở nên bạo lực.
Trưởng đặc khu Carrie Lam sau đó tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết", nhưng điều này không thể xoa dịu những người biểu tình. Hàng trăm nghìn người hôm 21/7 tiếp tục tuần hành và có hành động phá hoại tại Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh ở quận Tây.
Người biểu tình hôm 26/7 tập trung ở sân bay quốc tế Hong Kong (HKIA), một trong những sân bay bận rộn nhất châu Á, để tiếp tục phản đối dự luật. Họ ngồi la liệt tại khu vực sảnh đón khách của sân bay, giơ các khẩu hiệu phản đối, đòi rút hoàn toàn dự luật dẫn độ sửa đổi. Một số hô to khẩu hiệu "Hong Kong tự do", số khác còn phát tờ rơi cho các hành khách tại sân bay để giải thích về những gì đang diễn ra tại Hong Kong.
Huyền Lê (Theo SCMP)