Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông gây trở ngại cho đàm phán COC

Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành 2 cuộc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông gây trở ngại cho đàm phán COC ảnh 1
Việc Trung Quốc tôn tạo trái phép đá Chữ Thập của Việt Nam là việc làm vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

Không tuân thủ DOC, tạo tình thế đã rồi ở Biển Đông

Việc Trung Quốc tiến hành đồng thời 5 cuộc tập trận trên vùng biển bao quanh nước này trong thời gian gần đây, trong đó có hai cuộc gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đang là chủ đề thảo luận của các nhà nghiên cứu. Trong khi việc tìm hiểu cặn kẽ toan tính mà Trung Quốc đặt vào các cuộc tập trận này còn phải tiếp tục phân tích, thì tác động tiêu cực của hành động gia tăng sức mạnh ở Biển Đông với quá trình xây dựng các văn bản pháp lý nhằm quản lý và ngăn chặn nguy cơ xung đột trên vùng biển này thì đã rõ.

Đến nay, liên quan đến Biển Đông, văn bản được coi là quan trọng nhất giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Được ký ngày 4-11-2002 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 diễn ra ở Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, DOC quy định các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định…

Nếu như các nguyên tắc của DOC được tuân thủ nghiêm túc thì chắc tình hình Biển Đông không phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, DOC là một văn bản không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, đồng nghĩa với việc các bên ký kết có thể không thực hiện theo đúng các điều khoản của DOC. Trên thực tế, Trung Quốc cũng không mong muốn thúc đẩy việc thực thi DOC. Chính vì thế, phải 9 năm sau khi DOC ra đời, tới năm 2011, bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC mới được Trung Quốc đồng ý ký kết.

Tuy nhiên, mọi việc còn chưa dừng lại. Những năm gần đây, khu vực chứng kiến quá trình tôn tạo trái phép với quy mô lớn chưa từng có của Trung Quốc với các đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Là một bên ký kết DOC nhưng Bắc Kinh phớt lờ các cam kết, không chỉ xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông mà còn biến các nơi này thành cơ sở quân sự, phục vụ cho mục đích tiếp tục mở rộng ảnh hưởng.

Rõ ràng, những hành động đơn phương bồi đắp, cải tạo các đá và quân sự hóa các đảo nhân tạo không chỉ vi phạm thỏa thuận DOC, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết, mà còn làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việc sớm có bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có ràng buộc pháp lý để có thể kiểm soát được cách ứng xử của các bên trên Biển Đông là đòi hỏi cấp thiết, là điều kiện tiên quyết để giải quyết những tranh chấp ở đây bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Phải mất tới gần 4 năm đàm phán, năm 2017, bộ khung COC mới dần hình thành. Một quãng thời gian quá dài cho một thỏa thuận lẽ ra cần phải ra đời sớm hơn rất nhiều nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Không những thế, trong thời gian đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục quá trình xây cất và quân sự hóa trên một số thực thể nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu là tạo tình thế đã rồi ở Biển Đông.

Tạo cớ để trì hoãn đàm phán COC

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhanh chóng chuyển bộ khung COC mà ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất năm 2017 thành văn bản chính thức là đòi hỏi cấp thiết với khu vực. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào thái độ và cam kết thực chất của Trung Quốc. Nhìn nhận về vấn đề này, hãng tin Reuters của Anh bình luận: “COC là một mục tiêu mà cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều nêu lên từ gần hai chục năm nay, nhưng giới chuyên gia an ninh khu vực đã đặt nghi vấn về thực tâm của Trung Quốc, cũng như rất hoài nghi về việc các bên đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý”.

Vấn đề là ở chỗ tuy kêu gọi đẩy nhanh tiến độ hoàn thành COC nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại kèm theo đề xuất “tầm nhìn ba bước” với toan tính khó lường. Trong ba bước này, đặc biệt đáng lưu ý là bước thứ ba, gần như là một điều kiện, rằng “nếu không có sự can thiệp bên ngoài nghiêm trọng nào và tình hình Biển Đông nói chung ổn định” thì lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN sẽ chính thức thông báo việc khởi động bước tiếp theo để tiến hành thương thảo về văn kiện COC.

Thuật ngữ “sự can thiệp bên ngoài” hoàn toàn mơ hồ bởi không có diễn giải cụ thể nào nhưng lại là công cụ để Trung Quốc kiểm soát tiến trình đàm phán COC theo ý mình. Thực tế thì trong vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền là giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, nhưng tranh chấp các lợi ích như tự do hàng hải, hàng không thì còn giữa Trung Quốc với nhiều nước khác ngoài khu vực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… Đặc biệt, giữa Mỹ và Trung Quốc còn là cuộc cạnh tranh chiến lược giành vị trí siêu cường.

Trong bối cảnh đó, những cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc ở Biển Đông tác động tới nhiều mặt. Trước hết, đó là hành động khuếch trương sức mạnh, răn đe với các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Đó cũng là hành động vừa cảnh báo, vừa có tính chất thăm dò xem phản ứng của Mỹ và các nước trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Thêm vào đó, không ngoại trừ tính toán của Trung Quốc làm căng thẳng tình hình trong khu vực, khiến các nước bên ngoài phải quan tâm và tìm cách can dự để Bắc Kinh có cớ trì hoãn việc hoàn tất COC theo đúng mục tiêu.

Thực tế thì trước những hành động đơn phương, gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian gần đây, Mỹ và các nước như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…

đã có hành động can dự vào Biển Đông như tổ chức diễn tập, tiến hành tuần tra tự do hàng hải. Đây là cái cớ để Trung Quốc cho rằng khu vực đang chịu sự can thiệp của bên ngoài, không thuận lợi cho quá trình đàm phán COC. Điều đó cho thấy lộ trình để từ một dự thảo khung COC tiến tới một COC thực chất, chịu sự ràng buộc về pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc, sẽ không hề đơn giản bởi hoạt động quân sự của Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông.

Việt Nam lên tiếng về công hàm chung của Anh, Pháp, Đức bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông Việt Nam lên tiếng về công hàm chung của Anh, Pháp, Đức bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Đại sứ Đức nói về công hàm Biển Đông phản đối yêu sách của Trung Quốc Đại sứ Đức nói về công hàm Biển Đông phản đối yêu sách của Trung Quốc

/ anninhthudo.vn