GDP quý II của Trung Quốc có thể tăng chậm nhất gần ba thập kỷ, không chỉ vì cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc được dự báo là 6,2% - chậm nhất kể từ năm 1992. Số liệu chính thức công bố ngày mai sẽ cho thấy liệu nhu cầu bên ngoài giảm, chi phí sản xuất tăng và hoạt động sản xuất co lại có thể được bù đắp bởi đầu tư ổn định, tâm lý tiêu dùng lạc quan và bất động sản hồi phục hay không.
Khả năng Trung Quốc duy trì được các yếu tố tích cực này và hồi phục nền kinh tế còn tùy thuộc vào tác động của các chính sách kích thích đến sản xuất trong nước và giảm thiểu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại. Kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cũng sẽ giúp Trung Quốc có nhiều dư địa hơn trong nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu cần.
"Kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại trong nửa cuối năm, do nhu cầu bên ngoài vẫn là thách thức lớn nhất. Dù vậy, Trung Quốc vẫn có thể bình ổn nhờ các chính sách hỗ trợ", Wang Tao – Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại UBS Hong Kong nhận định, "Tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ vẫn duy trì trên 6%".
Công nhân làm việc trong một nhà máy thép ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Số liệu công bố hôm thứ sáu càng khẳng định nhu cầu nội địa của Trung Quốc yếu đi, khi cả xuất khẩu và nhập khẩu tháng 6 đều giảm. Đây là hệ quả tiêu cực từ cuộc chiến thuế với Mỹ.
Dân số Trung Quốc đang già đi và nền kinh tế cũng đang chuyển dịch từ giai đoạn tăng trưởng 2 chữ số giữa thập niên 2000. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát quá trình này, đồng thời hạn chế nợ và ngăn tình trạng thất nghiệp quy mô lớn trong các ngành công nghiệp. Theo giới phân tích, những nỗ lực bình ổn của Trung Quốc được thể hiện qua 3 lĩnh vực chính.
Cơ sở hạ tầng
Tăng trưởng về đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh các công ty đang phải chịu sức ép từ rủi ro thuế nhập khẩu và kinh tế toàn cầu đi xuống, khiến họ lưỡng lự tăng đầu tư.
Các nhà kinh tế học tại UBS, ANZ và Morgan Stanley đều dự báo đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc năm nay tiếp tục tăng. Kế hoạch kích thích tài khóa thông qua giảm thuế trị giá 291 tỷ USD đang dần tiến vào nền kinh tế. Chính phủ nước này gần đây càng tăng tốc nỗ lực, nới lỏng quy định sử dụng nợ công cho các dự án cơ sở hạ tầng và cam kết sửa chữa hàng trăm nghìn tòa nhà cũ. Việc nới lỏng sử dụng nợ công có thể làm tăng đầu tư thêm 800 - 1000 tỷ NDT, Wang cho biết.
Chỉ số theo dõi về đầu tư cho cơ sở hạ tầng - doanh số bán máy đào - gần như đi ngang trong tháng 6, sau khi giảm trong tháng 5. Đây là dấu hiệu ổn định "với hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2019", ANZ nhận định.
Doanh số bán lẻ
Một người mua đang chọn đồ uống trong siêu thị ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters |
Để kéo nền kinh tế khỏi ảnh hưởng từ thương mại, Trung Quốc rất cần lượng người tiêu dùng trung lưu khổng lồ trong nước. Năm nay, doanh số bán ôtô, đồ gia dụng và tiêu dùng liên quan đến bất động sản là yếu tố chính kéo tụt doanh số bán lẻ. Hiện các ngành này còn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.
Tháng trước, doanh số bán xe chở khách tăng lần đầu tiên trong hơn một năm, do các đại lý mạnh tay giảm giá. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn cảnh báo đà phục hồi này không bền vững. ING Bank cho rằng ngành ôtô sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ các ứng dụng đi chung xe, cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại theo chu kỳ.
Bất động sản
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang kiềm chế mạnh tay thị trường bất động sản. Đầu tư vào bất động sản năm nay khá ổn định, và các biện pháp của giới chức sẽ đảm bảo việc này trong tầm kiểm soát.
Giới chức ngân hàng đã đề nghị các quỹ tín thác có mảng kinh doanh bất động sản tăng mạnh phải kiềm chế tốc độ tăng trưởng và quản lý rủi ro tốt hơn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đề nghị các ngân hàng không hạ thêm lãi suất cho vay mua nhà.
Trong trường hợp đàm phán Mỹ - Trung đổ vỡ và toàn bộ hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế khi vào Mỹ, bất động sản và ôtô sẽ là lĩnh vực nước này tập trung để thúc đẩy nền kinh tế, Lu Ting - nhà kinh tế học khu vực Trung Quốc tại Nomura Hong Kong nhận xét.
"Bắc Kinh sẽ cố tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn, như giảm thuế với người mua xe hơi, hoặc buộc các thành phố lớn nới kiểm soát lĩnh vực này", ông nói. Các biện pháp kích thích trước đây "có thể sẽ được đưa trở lại nếu căng thẳng Mỹ - Trung Quốc tăng cao".
Hà Thu (theo Bloomberg)
Vết thương kinh tế khó lành dù Mỹ - Trung đình chiến
Chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn chịu sức ép như hiện tại, vì khả năng hai nước đạt thỏa thuận còn ... |