Bất chấp sự thúc giục của giới chức, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn chưa mở cửa hoạt động do lo ngại dịch viêm phổi.
Giới chức Trung Quốc đã thúc giục các ngành công nghiệp quan trọng, như hàng không, hoạt động trở lại càng sớm càng tốt. Phần lớn các tỉnh thành cũng giục doanh nghiệp mở cửa lại hôm nay (10/2), sau khi kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm 10 ngày. Nhiều thành phố, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, khuyến khích người dân làm việc từ nhà.
Dù vậy, rất nhiều công ty, đặc biệt là doanh nghiệp có lượng lao động lớn, không mở cửa trở lại hôm nay, do lo ngại dịch bệnh lan rộng. Các hãng công nghệ hàng đầu nước này, như Alibaba và Meituan, đã tăng thời gian nghỉ Tết đến 16/2 hoặc hơn. Financial Times cho biết trong một thông báo nội bộ hôm qua, Alibaba nói rằng sẽ hoãn kế hoạch mở cửa trở lại "ít nhất một tuần".
Nhân viên một cửa hàng tại Bắc Kinh lau dọn kệ đồ. Ảnh: Reuters |
Foxconn – hãng lắp ráp thiết bị điện tử theo yêu cầu lớn nhất thế giới – cũng sẽ không mở cửa nhà máy tại Trịnh Châu hôm nay. Một số khu vực, như Hắc Long Giang, còn nói với công nhân các thành phố chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh rằng sẽ tăng thời gian nghỉ Tết thêm 2 tuần nữa.
Theo giới chức Trung Quốc, đến nay, số người chết vì nCoV đã vượt đại dịch SARS năm 2003. Virus này đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, gây náo loạn các thị trường tài chính và tăng sức ép lên chuỗi cung ứng. Fiat Chrysler tuần trước cảnh báo có thể phải ngừng sản xuất ở châu Âu, do khó mua linh kiện từ Trung Quốc. Giá đồng, dầu thô và khí đốt đều chịu ảnh hưởng do nguy cơ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong thời gian dài.
Dịch bệnh cũng có thể đập tan kỳ vọng của Bắc Kinh rằng có thể đặt mục tiêu tăng trưởng 6% năm nay. Rủi ro này ngày càng tăng, khi cuộc họp của quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 có thể bị hoãn lại.
Kể cả dịch SARS lần trước cũng không khiến doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa lâu như hiện tại. Ian Lipkin – nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia hôm qua cho biết việc cân bằng giữa ưu tiên sức khỏe cộng đồng và giải quyết khó khăn kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh luôn rất thách thức. "Nếu dịch bệnh bùng phát khi công nhân quay lại làm việc, chúng ta sẽ lại gặp rắc rối và phải lùi bước", ông nói.
Một công nhân nhà máy sản xuất lốp xe tại Hắc Long Giang cho biết công ty ông đã mở cửa lại sau Tết rồi. Nhưng sau đó, hai công nhân bị chẩn đoán nhiễm virus corona mới. Vì thế, họ buộc phải đóng cửa tiếp.
Các trường học nước này vẫn đóng cửa hôm nay. Gần như toàn bộ tỉnh thành lùi lịch học của các trường cấp 1 và cấp 2 đến sớm nhất là ngày 16/2. Một số khu vực đông dân – như các trung tâm kinh tế ven biển Thượng Hải, Chiết Giang, Giang Tô và Quảng Đông – đã yêu cầu trường học đóng cửa hết tháng.
Các nhà hàng cũng chịu chung số phận. Yang Linhua – chủ một nhà hàng tôm hùm đất ở Bắc Kinh cho biết ông sẽ đóng cửa hết tháng này. "Đâu có ai dám ăn ở ngoài nữa", ông nói.
Hà Thu (theo FT)
Kinh tế Việt Nam chịu nhiều biến động vì virus corona |
Đại dịch virus Corona: "Cú sốc" của nền kinh tế toàn cầu |
Kinh tế Trung Quốc hứng những "đòn" đầu tiên của dịch viêm phổi |