Diễn viên Trung Anh muốn tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho vợ, người luôn góp ý diễn xuất của ông, hy sinh tất cả để chồng làm nghề.
- Nằm trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào ngày 2/9, ông đón nhận tin này như thế nào?
- Lúc đó là buổi tối, tôi đang quay phim thì được nhiều bạn bè báo tin. Tất nhiên, tôi rất vui và mãn nguyện. Diễn viên chúng tôi miệt mài hoạt động nhiều năm không vì danh hiệu hay huy chương. Hạnh phúc lớn nhất của nghệ sĩ là có vai diễn và hoàn thành tốt vai diễn của mình. Sự ghi nhận của Nhà nước, công chúng là một động lực để chúng tôi cố gắng trong nghề.
- Nhìn lại chặng đường sự nghiệp vừa qua, ông muốn nói gì?
- Vợ tôi làm kế toán nhưng có hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, đồng cảm với công việc của tôi. Tôi thường xuyên đi đêm về hôm, có những đợt vắng nhà đến vài tháng. Thế nhưng cô ấy vẫn vui vẻ, giúp tôi lo toan chuyện nhà cửa, chăm sóc con cái. Những đợt con ôn thi đại học, chuyển cấp, cô ấy rất vất vả, cả ngày đi lại nhiều lượt đưa đón hai đứa đi học thêm. Chuyện bếp núc tôi cũng không biết làm, việc vun vén gia đình cũng không phải nghĩ đến.
Nói chung, vợ tôi hy sinh tất cả để đứng đằng sau chồng, làm vô số việc không tên để chồng yên tâm theo đuổi nghệ thuật. Có thể nói, vợ đóng góp 90% thành công của tôi. Vì thế, tôi muốn tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho bà xã.
- Bà xã thường góp ý thế nào cho ông trong công việc?
- Những người khác thường khen tôi diễn hay, không cần sửa gì. Thế nhưng vợ theo dõi các phim của tôi rất chăm chú, nhìn ra một số tật của chồng. Chẳng hạn, cô ấy từng bảo: "Khi anh nói, nhiều lúc miệng của anh bị uốn quá, trông hơi điệu". Tôi xem lại và thấy đúng như thế thật. Những lúc nói to, thoại dài, tôi thường mắc tật đó. Tôi không cần nghe nhiều lời khen mà cần một người chỉ ra những lỗi như vậy. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó và luôn trân trọng các ý kiến của bà xã.
Nghệ sĩ Trung Anh bên vợ và hai con.
- Ông bén duyên với sân khấu kịch thế nào?
- Năm 1978, Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển chọn để đào tạo lứa diễn viên đầu tiên. Tôi giấu gia đình, làm hồ sơ đăng ký theo tâm lý "được thì được, không được thì thôi". Tôi mất mẹ từ nhỏ nên tính tình khá trầm lắng, ít nói. Mẹ kế, các anh đều tốt với tôi. Thế nhưng ở tuổi 17, tôi muốn sống độc lập, không phụ thuộc vào ai. Sau khi đỗ vào lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát, tôi theo học bốn năm. Trong thời gian đó, tôi và các bạn được nhiều tên tuổi lớn của nghệ thuật sân khấu lúc bấy giờ như NSND Đoàn Dũng, NSƯT Dương Viết Bát... dìu dắt, truyền lửa đam mê. Khi tốt nghiệp, tôi thực sự yêu và muốn gắn bó với sân khấu kịch.
- Hồi mới vào nghề, ông gặp khó khăn gì?
- Ngày 30/8/1982, tôi tốt nghiệp lớp Diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tám ngày sau, tôi cùng Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh lên đường đi bộ đội. Lúc đó, chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi đóng quân ở Quảng Ninh. Đời sống quân ngũ thời chiến gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, chúng tôi động viên nhau để sớm có thể trở về cống hiến cho sân khấu. Sau hai năm, chúng tôi được xuất ngũ sớm nhờ có nhiều thành tích tốt trong quân đội. tôi choáng ngợp khi nhìn các bạn cùng lứa diễn xuất, còn mình bị thụt lùi quá xa.
Một năm sau, tôi chỉ vật vờ đóng vai quần chúng. Tôi bất lực, nản lòng và từng suy nghĩ đến việc bỏ nghề. Các anh trai khuyên: "Mày cân nhắc, theo được thì theo, không thì anh xin cho đi xuất khẩu lao động". Trong thời gian suy nghĩ về tương lai, tôi vẫn đến nhà hát, xem các thầy cô, các bạn, các em diễn. Điều đó khiến "máu nghệ sĩ" trong tôi nổi lên, quyết định không từ bỏ. Tôi mất bốn, năm năm sau để được giao vai thứ chính rồi dần dần là vai chính.
- Trong hàng trăm vai lớn nhỏ, những vai nào là dấu mốc trong sự nghiệp ông?
- Năm 1995, tôi đóng bộ phim dài hai tập mang tên Mê lộ, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Trong phim, tôi vào vai một anh lính, sau khi rời quân ngũ trở về, anh ta bị chấn thương tinh thần, dẫn đến những suy nghĩ, hành vi không bình thường. Dạng vai này hiếm trên sân khấu, phim ảnh Việt Nam thời đó. Nhân vật không tư duy theo logic thông thường, buộc diễn viên phải đau đáu thể hiện ra đúng chất. Tôi cũng thích nhân vật Lương Bổng trong phim Người phán xử, phát sóng năm 2017. Khi vào vai một tay xã hội đen lạnh lùng, tôi phải suy nghĩ rất nhiều để tìm ra lối diễn khác với các nhân vật hiền lành, khắc khổ tôi thường thể hiện.
- Gắn bó với sân khấu kịch nhưng chỉ được biết đến nhiều khi tham gia phim truyền hình. Ông thấy sao về điều này?
- Điều này thường xảy ra ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Diễn viên phim điện ảnh, truyền hình luôn dễ dàng nổi tiếng hơn nghệ sĩ kịch nói. Tôi nghĩ đó là nỗi đau chung với những người yêu sân khấu. Sân khấu Việt Nam đang ở giai đoạn thoái trào. Thời kỳ này kéo dài quá lâu, khoảng hơn 20 năm nay. Diễn viên như chúng tôi bất lực trước tình trạng khán giả quay lưng, thờ ơ với sân khấu.
- Thế hệ của ông phần lớn đều ở ngưỡng về hưu. Ông nghĩ sao về việc sân khấu, phim ảnh sẽ dần vắng bóng những gương mặt gạo cội?
- Chúng tôi về hưu trên giấy tờ ở các nhà hát. Ở mảng phim ảnh, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường nếu có lời mời. Tất nhiên, sân khấu, phim ảnh luôn hướng tới lớp trẻ, thường giao các tuyến chính cho họ. Tuy nhiên, tác phẩm nào cũng có vai này vai kia. Tôi nghĩ cơ hội của chúng tôi vẫn như vậy.
- Ông đánh giá thế nào về lớp diễn viên trẻ hiện nay?
- Mọi người hay nói: "Bọn trẻ thế này, bọn trẻ thế kia". Hồi chúng tôi học nghề, các cô, chú cũng nhận xét y như vậy. Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận mọi thứ một cách công bằng. Thế hệ nào cũng có những người rất giỏi và những người chưa giỏi lắm. Tuy nhiên, điều tôi đánh giá cao ở các bạn trẻ không phải năng lực mà là đam mê với nghề. Đối với diễn viên, ngoài những thứ trời cho như nhan sắc, năng khiếu, đam mê là điều quan trọng nhất, sau đó đến sự rèn giũa, nỗ lực vươn lên.
- Thành công trong sự nghiệp, lại có gia đình luôn ủng hộ, yêu thương và sát cánh, điều ông mong mỏi trong cuộc sống lúc này là gì?
- Tôi chỉ mong các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có định hướng khắc phục tình trạng sân khấu thoái trào, trở lại với thời kỳ hoàng kim của nó. Tôi nghĩ khó có đơn vị, cá nhân nào có thể làm được điều ngược lại. Anh Trần Lực hiện tự phát triển mô hình sân khấu ước lệ. Hướng đi này tốt nhưng khá mạo hiểm, có thể mất trắng.
- Bộ phim Về nhà đi con có ông đảm nhận vai chính, được khán giả quan tâm vừa kết thúc. Dự định của ông thời gian tới là gì?
- Tôi nhận được vài lời mời ở mảng điện ảnh và phim truyền hình. Tuy nhiên, tôi không ưng ý kịch bản nên chưa nhận lời. Trước Về nhà đi con, tôi quay một phim điện ảnh khác ở Hòa Bình khá vất vả nên muốn nghỉ ngơi một, hai tháng, chờ một kịch bản tốt - yếu tố quyết định thành công của một bộ phim.