Trọng tài mắc sai lầm, bao giờ VPF, VFF mới xin lỗi?

Các đội bóng "ngậm đắng nuốt cay" khi chịu thiệt vì sai lầm của trọng tài bởi lời xin lỗi từ các đơn vị tổ chức, quản lý hiếm khi được đưa ra một cách công khai.

Trọng tài gây tranh cãi ở trận đấu giữa CLB TP.HCM và Thanh Hóa.

Trọng tài gây tranh cãi ở trận đấu giữa CLB TP.HCM và Thanh Hóa.

Không chỉ 2 đội bóng chịu ấm ức là Đà Nẵng và Thanh Hóa, người hâm mộ chờ đợi phản ứng của VPF và VPF sau những ồn ào liên quan đến trọng tài. Ban tổ chức và ban trọng tài sẽ nhận sai, hay bằng một cách nào đó chứng minh được đó là những quyết định chính xác?

Sau khi câu lạc bộ Thanh Hóa phản ứng dữ dội về 2 quyết định của trọng tài - một trong số đó rõ ràng là sai lầm, trên mạng xã hội xuất hiện luồng quan điểm bênh vực vị vua áo đen. Ở tình huống huấn luyện viên Velizar Popov nhận thẻ vàng thứ hai, có ý kiến cho rằng nhà cầm quân này phạm luật khi đá vào chai nước.

Tuy nhiên, nếu VPF cũng lập luận theo hướng này, đó sẽ là sai lầm. Theo luật bóng đá do IFAB ban hành, việc đá chai nước chỉ phạm lỗi nếu là hành vi phản ứng với trọng tài. Ông Popov từng nhiều lần chỉ trích trọng tài, nhưng đó không thể là căn cứ để nhận định hành động đá chai nước của ông là phản đối quyết định thổi phạt.

CLB Thanh Hóa khẳng định HLV Popov nổi cáu với cầu thủ đội nhà. Lý do thực sự là gì, chỉ nhà cầm quân người Bulgaria biết. Tuy nhiên, hành động đá chai nước sau một tình huống không như ý - vốn không phải là hiếm trong các trận đấu bóng đá - bị gán cho phản đối trọng tài có vẻ khiên cưỡng.

 

Tình huống CLB Thanh Hóa mất oan một quả phạt đền vì lỗi việt vị - do sai lầm của trọng tài mà VAR không can thiệp - thì không cần phải bàn cãi. Băng hình quay chậm thể hiện rõ.

Trọng tài ở đâu cũng mắc sai lầm. Giải đấu hấp dẫn nhất, giá trị thương mại lớn nhất thế giới là Ngoại Hạng Anh cũng vậy. Thậm chí, những trọng tài được coi là giỏi nhất xứ sương mù như Anthony Taylor hay Michael Oliver cũng là những người hứng chịu chỉ trích nhiều nhất.

Các nhà tổ chức ở Ngoại Hạng Anh làm thế nào khi trọng tài mắc lỗi? Họ cũng có những đơn vị phân tích từng tình huống gây tranh cãi. Tùy thuộc vào giải đấu và mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc lỗi, ban tổ chức giải và PGMOL có thể đưa ra một số biện pháp trừng phạt. Nhẹ nhất là cảnh cáo, nâng dần lên các mức độ khiển trách bằng văn bản, điều chuyển công tác xuống hạng dưới, cao nhất là đình chỉ nhiệm vụ tạm thời và chấm dứt hợp đồng.

Cuối năm 2024, một trọng tài của giải Ngoại Hạng Anh bị đuổi việc khi đoạn video ông xúc phạm huấn luyện viên Jurgen Klopp của Liverpool lộ ra. Năm 2023, ông Lee Mason cũng bị chấm dứt hợp đồng sau khi mắc sai lầm sơ đẳng và bị câu lạc bộ Arsenal khiếu nại.

Từng có giai đoạn PGMOL và ban tổ chức giải phải xin lỗi các đội bóng tới 14 lần trong vòng 18 tháng vì các sai lầm trọng tài mắc phải trong các trận đấu. Riêng trong mùa giải 2022-2023, cơ quan điều phối trọng tài Anh phải xin lỗi câu lạc bộ Brighton tới 3 lần.

Lần gần nhất ban trọng tài VFF xin lỗi công khai một đội bóng tại V.League xảy ra cách đây... 5 năm. Khi đó, câu lạc bộ Nam Định là bên được xin lỗi sau khi liên tục bị xử ép trong giai đoạn mà họ phải cật lực để trụ hạng. Lời xin lỗi về công tác trọng tài ở Việt Nam có vẻ khó xuất hiện.

 https://vtcnews.vn/trong-tai-mac-sai-lam-bao-gio-vpf-vff-moi-xin-loi-ar926037.html

Tiêu Minh / VTC News