Trọng tài bắt sai, HLV phản ứng: Ai làm xấu hình ảnh V.League?

Những quyết định gây tranh cãi của trọng tài và phản ứng thái quá của các huấn luyện viên làm xấu đi hình ảnh của V.League.

Sau gần 25 năm lên chuyên nghiệp. V.League đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, phát triển giá trị thương mại giải đấu cũng như nâng tầm chất lượng chuyên môn. Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nỗ lực đưa công nghệ VAR về nước nhưng đến thời điểm này, vấn đề về trọng tài vẫn chưa được giải quyết.

Ai làm xấu hình ảnh V.League?

Vòng 13 V.League chứng kiến sự việc chưa từng có khi hàng loạt huấn luyện viên phản ứng dữ dội, nhận thẻ vàng, thẻ đỏ vì quyết định của các trọng tài. Trên sân Tam Kỳ (Quảng Nam), huấn luyện viên Lê Đức Tuấn (Đà Nẵng) nhận thẻ đỏ trực tiếp sau các phản ứng với trọng tài bàn Lê Đức Thuận. Chỉ trong 1 phút trên sân Thống Nhất (TP.HCM), 3 tấm thẻ vàng được rút ra cho huấn luyện viên Velizar Popov và giám đốc kĩ thuật Hoàng Thanh Tùng (2 thẻ) của CLB Thanh Hóa.

Ông Lê Vũ Linh rút thẻ đỏ oan với HLV Popov.

Ông Lê Vũ Linh rút thẻ đỏ oan với HLV Popov.

Trên sân Pleiku (Gia Lai), HLV Bùi Đoàn Quang Huy (Bình Định) cũng phản ứng rất mạnh ngoài sân khi Dương Văn Khoa bị cầu thủ HAGL phạm lỗi. Đáng nói, các trọng tài không cắt còi mà để HAGL tấn công, suýt nữa Bình Định thủng lưới phút cuối.

Tương tự, sân Hàng Đẫy chứng kiến cú đập chai nước của HLV Văn Sỹ Sơn (Quảng Nam). Nhà cầm quân này bức xúc khi trọng tài Nguyễn Mạnh Hải công nhận bàn thắng của CLB Công an Hà Nội. Ông cho rằng cầu thủ đội chủ nhà phạm lỗi trước khi ghi bàn.

Hành vi phản ứng với các quyết định của trọng tài bị cấm. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mạnh tay xử lý các vi phạm kiểu này trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, cũng giống như điều trị một căn bệnh của nền bóng đá, án phạt chỉ là "thuốc" được sử dụng khi sự đã rồi. Yếu tố châm ngòi và nuôi dưỡng căn bệnh hoàn toàn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Thói quen phản ứng của các huấn luyện viên V.League từ đâu mà ra? Tất nhiên, trong các quyết định gây tranh cãi của trọng tài, không phải lần nào cũng sai. Dù vậy, khi mức độ và tần suất của những sai sót quá nhiều, tính thuyết phục của các "vua áo đen" không còn nữa.

Tất cả các đội bóng đều bị ám ảnh bởi "tiếng còi méo" và hình thành thói quen phản ứng lại mọi quyết định gây bất lợi. Thậm chí, kể cả khi trận đấu chưa diễn ra, nỗi lo sợ về trọng tài là có thật. Từ lâu, mỗi khi các trận đấu "nhạy cảm" sắp diễn ra, câu hỏi về trọng tài lại xuất hiện trên truyền thông.

 

Chỉ nhăm nhăm phạt huấn luyện viên - thậm chí phạt một cách vô tội vạ và sai luật như cách huấn luyện viên Popov nhận thẻ vàng vì... mắng cầu thủ đội nhà - chỉ hiệu quả trong thời gian đầu và nhanh chóng xảy ra tình trạng "nhờn thuốc". Căn nguyên của vấn đề nằm ở niềm tin và điều đó không thể được khôi phục chừng nào các trọng tài vẫn còn liên tục mắc sai lầm.

V.League kém sức hút vì trọng tài?

Về chất lượng chuyên môn, V.League rõ ràng vẫn có những trận đấu rất hấp dẫn. Ngay cả ở cuộc đọ sức giữa TP.HCM và Đông Á Thanh Hóa, nếu không có sai lầm của trọng tài, rõ ràng người hâm mộ được chứng kiến một trận đấu hay. Màn rượt đuổi tỉ số giữa Công an Hà Nội và Quảng Nam với tỉ số 4-4 xứng đáng là một trong những trận đấu kịch tính nhất lịch sử giải đấu.

Dẫu vậy, sau hiệu ứng vô địch AFF Cup của tuyển Việt Nam, khán giả vẫn không mặn mà với V.League. Nam Định và Thanh Hóa dẫn đầu bảng xếp hạng, Công an Hà Nội và Hà Nội FC sở hữu dàn sao thượng hạng nhưng các khán đài vẫn trống vắng. 

Các trận đấu tại V.League vắng khán giả.

Các trận đấu tại V.League vắng khán giả.

 

Trong thời đại kinh tế thị trường, VPF là một công ti và họ cần bán được sản phẩm của mình, ở đây là các trận bóng đá. Nhưng muốn bán được hàng, thu về giá cao thì cần nâng cấp chất lượng sản phẩm, tăng uy tín cho các trận đấu. Nỗ lực của VPF chưa đủ khi trọng tài vẫn liên tiếp để lại vết đen với các dấu hỏi lớn. Đơn vị tổ chức giải nhưng không kiểm soát được trọng tài, đó là bài toán khiến nhà tài trợ lớn không khỏi e ngại.

Từ phương diện các đội bóng, không dễ để tìm kiếm được ông bầu nào vừa tâm huyết, vừa có tiềm lực trong thời điểm hiện tại. Chẳng có gì đảm bảo rằng các doanh nghiệp sẽ đồng hành lâu dài với đội bóng nếu số tiền "mồ hôi, nước mắt" của họ bỏ ra đầu tư có thể tan thành mấy khói vì tiếng còi sai được lặp đi lặp lại của các trọng tài.

Bây giờ, có những đội bóng chi ra khoản đầu tư cực lớn, nhưng một mình họ không thể thay thế cho các đội bóng đối thủ trong nhiệm vụ cùng cấu thành nên giải đấu. 

Ngăn chặn sai sót mang tính hệ thống của trọng tài cũng là cách VPF bảo vệ giải đấu, bảo vệ đội bóng và duy trì sức phát triển của bóng đá Việt Nam. Còn nếu không làm được, các nhà quản lý có lẽ nên thôi nói về giấc mơ World Cup để ru ngủ người hâm mộ trong buổi trưa hè.

https://vtcnews.vn/trong-tai-bat-sai-hlv-phan-ung-ai-lam-xau-hinh-anh-v-league-ar926457.html

Tiểu Anh / VTC News